Nỗ lực bảo tồn điệu múa bồng truyền thống của làng Triều Khúc
Những chàng trai chít khăn mỏ quạ, mặc váy đụp đen, yếm tua mầu, má phấn môi son duyên dáng, uyển chuyển trong điệu múa bồng là hình ảnh đặc trưng riêng có của làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Điệu múa bồng (hay còn gọi là con đĩ đánh bồng) gắn liền với sự tích Bố Cái Đại vương Phùng Hưng trước khi vây hãm và tấn công quân Đường ở thành Tống Bình (thành Hà Nội sau này) đã hạ trại đóng quân tại làng Triều Khúc. Nhằm khích lệ và cũng là giải trí cho nghĩa quân, Ngài đã cho binh lính đóng giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa Bồng. Múa Bồng khó ở chỗ là người múa làm sao vừa thể hiện được nét lẳng lơ của người con gái vừa toát lên phong thái nam nhi, tinh thần thượng võ.
Gắn bó với điệu múa bồng gần 30 năm, anh Nguyễn Huy Tuyển, Chủ nhiệm CLB múa bồng Triều Khúc, luôn đau đáu tìm kiếm và truyền dạy điệu múa cổ của làng cho các thế hệ kế cận.
Để được tham gia vào múa bồng hầu Thánh, các thành viên phải là nam giới xuất thân trong những gia đình gia giáo, nhân phẩm tốt. Việc trai giả gái trong múa Bồng là thủ pháp nghệ thuật lần đầu tiên xuất hiện trong nghệ thuật diễn xướng ở Việt Nam. Hiện có khoảng 30 điệu cổ với 3 động tác chính: đánh trống bồng đi ngang, uốn tay như bông hoa và vuốt xuống tang trống. Theo thời gian, múa Bồng được sáng tạo thêm nhiều động tác nhưng vẫn giữ được tinh thần xưa.
Để bảo tồn, quảng bá những giá trị văn hoá truyền thống của làng, đặc biệt sau khi Lễ hội làng Triều Khúc được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, chính quyền nơi đây đã có những giải pháp thiết thực.
Là loại hình nghệ thuật độc đáo, múa Bồng đã và đang được người dân làng Triều Khúc gìn giữ, biểu diễn trong các hội làng từ thế kỷ VIII cho đến nay. Với tình yêu những giá trị di sản quý báu, điệu múa cổ đặc sắc này sẽ còn được bảo tồn và quảng bá bay cao, bay xa hơn./.
Thực hiện: Anh Vũ – Chí Phương