Video Phóng sự VOV

Phân cấp, phân quyền có trọng tâm, trọng điểm khi sửa đổi Luật Thủ đô

Hà Nội cần một cơ chế đặc thù, vượt trội khi sửa Luật Thủ đô, trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền để chủ động phát triển. Tuy nhiên cần kiểm soát sau khi HN có các cơ chế này như thế nào? Đây là một trong những nội dung còn băn khoăn.
20:40 - 15/10/2023

 Phân cấp, phân quyền có trọng tâm, trọng điểm khi sửa đổi Luật Thủ đô

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa, thành lập thành phố thuộc thành phố, thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh. Thành phố thuộc thành phố sẽ có vị trí pháp lý của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; là điểm nhấn rất đặc biệt gắn với vị thế đặc biệt của Hà Nội.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, dự thảo luật thủ đô đề xuất đẩy mạnh phân cấp ủy quyền là phù hợp với Hiến pháp và luật chính quyền địa phương.

Tại phiên giải trình của thành phố Hà Nội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, các kiến nghị về cơ chế chính sách, đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải đồng bộ toàn diện, khắc phục ngay những khó khăn, bất cập đang cản trở sự phát triển của Thủ đô nhưng đồng thời cần rõ trách nhiệm, rõ cơ chế kiểm soát quyền lực sau khi được phân cấp, ủy quyền.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, một khi Hà Nội được phân cấp thêm quyền thì mới có thể giải quyết những vấn đề quan trọng. Ví dụ về việc di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, nếu không có cơ chế đặc thù thì không thể triển khai được.

Nhấn mạnh đây là đạo luật, đặc biệt về phân cấp và phân quyền, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý điều này phải được thực hiện toàn diện chứ không chỉ ở lĩnh vực kinh tế; nhưng đồng thời cũng phải có trọng tâm, trọng điểm chứ không rải “mành mành”, nội dung nào phân cấp cần phải thể hiện rõ. Ngoài ra cần nghiên cứu quy định để thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới.

Ý kiến các đại biểu tại Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng Luật Thủ đô là đạo luật riêng quy định cho Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính của cả nước, vừa là một đô thị đặc biệt, do đó cần quy định các cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội,  đồng thời cũng là các quy định giao trách nhiệm lớn cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) vẫn phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan./.