Video Phóng sự VOV

Phát triển CNHT ngành da giày như thế nào để tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại?

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, túi xách. Tuy nhiên, ngành CNHT sẽ tận dụng các cơ hội từ các hiệp định FTA để phát triển CNHT cho ngành da giày, túi xách như thế nào khi các điều kiện chất lượng tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng khắt khe?
14:37 - 04/11/2024

PHÁT TRIỂN CNHT NGÀNH DA GIÀY NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TẬN DỤNG TỐT CÁC CƠ HỘI TỪ CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI?

Da giày là một trong những ngành phát triển chủ lực của Việt Nam. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD đóng góp rất lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đạt 75-80% với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu. Hiện, giày dép Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh… Kết quả trên đạt được nhờ việc tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Hai ngành hàng da giày, túi xách và dệt may được hưởng lợi nhiều nhất, với kim ngạch xuất khẩu lớn. Đây là cơ hội rất lớn để đưa các sản phẩm da giày xuất khẩu tiếp cận tới các đối tác thương mại lớn do tác động từ cam kết ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và nhu cầu từ các thị trường này, từ đó giúp doanh nghiệp CNHT Việt Nam góp phần nâng cao giá trị ngành hàng, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.

Phát triển xanh, xanh hóa ngành da giày là xu thế phát triển bền vững của thế giới trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm gia tăng sự nóng dần lên của trái đất. Đây cũng là định hướng phát triển CNHT ngành da giày đi đúng hướng và theo xu thế của thế giới. Sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, tiêu chuẩn Netzero và tuân thủ các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu đang là yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành da giày nói riêng. Việt Nam đang đứng trước thách thức có tận dụng được các cơ hội và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Để hàng hóa vào được các thị trường như EU các doanh nghiệp da giày sẽ phải khẩn trương hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu từ đó hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt khi chúng ta xây dựng được trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam – nơi đây sẽ quy tụ được các nhà cung ứng sản phẩm nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày, giúp nhà máy không mất công tìm kiếm. CNHT sẽ góp phần tích cực rút ngắn thời gian ra mẫu chào hàng do nhà máy đã chủ động có được nguồn cung ứng sẵn có; chi phí giá cả sẽ cạnh tranh hơn. Từ đó, hình thành nên thị trường giao dịch nguyên, phụ liệu ngành thời trang được chuẩn hóa và minh bạch.

Thực hiện: Lan Anh - Đức Thành - Đình Mạnh