PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP HÀ NAM NHẰM KHƠI DẬY TIỀM NĂNG LỢI THẾ KHU VỰC NÔNG THÔN
Hà Nam từ lâu đã nổi tiếng với vựa sen lớn nhất Miền Bắc. Hoa sen nơi này không những đẹp, ngát hương mà còn là nguyên liệu tuyệt vời để làm ra trà sen ngon. Từ lợi thế của địa phương, HTX Hoàng Trà đã đầu tư công nghệ, khai thác giá trị kinh tế cao nhất từ cây sen để cho ra sản phẩm trà sen Bách Diệp. Bằng chất lượng sản phẩm, quá trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, sản phẩm trà sen Bách Diệp cùng 4 sản phẩm khác của HTX Hoàng Trà là trà hoa súng, rượu sen, rượu đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Không riêng trà sen, dưới bàn tay tỉ mỉ của những người dân cần cù tại vùng quê chiêm trũng Hà Nam, những sản phẩm thủ công truyền thống được tạo ra từ chính những hạt gạo, củ khoai cũng đã đi vào đời sống, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.
Từ khi sản phẩm khô gia truyền của HTX bún phở khô Khánh Linh được chứng nhận là sản phẩm Ocop 3 sao năm 2021, dây chuyền sản xuất này đã phải tăng quy mô và thời gian sản xuất để kịp các đơn hàng. Không chỉ là động lực giúp người sản xuất ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, Ocop 3 sao thực sự còn như “chiếc chìa khoá” giúp sản phẩm đến được với người tiêu dùng nhiều hơn qua các kênh phân phối.
Nhờ những nỗ lực và cách làm sáng tạo nên qua 5 năm triển khai, chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tại Hà Nam đã có những tác động tích cực, khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Hiện Hà Nam có 130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Nhiều sản phẩm OCOP trở thành niềm tự hào của địa phương, từ đó tạo ra các giá trị văn hoá để khuyến khích, hấp dẫn, cuốn hút khách hàng.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Hà Nam thực sự đã tạo luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương. Từ "sân chơi" bình đẳng này, những giá trị tiềm năng của các làng nghề, đặc sản vùng miền được phát huy, thông qua đó đưa được nhiều sản phẩm chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, góp phần thiết thực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Thực hiện: Minh Quyên - Ánh Tuyết - Thế Hiệp - Sỹ Thành