PHÚ THỌ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
Theo kết quả công bố năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Phú Thọ đạt 89,19 điểm; xếp thứ 9/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 2,59 điểm và tăng 9 bậc so với năm 2022). Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 87,56% (tăng 3,51% so với năm 2022) xếp thứ 10/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ từ khi đưa vào hoạt động hàng ngày vẫn đón tiếp người dân và doanh nghiệp đến làm các thủ tục hành chính. Với mục tiêu nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, công khai, minh bạch, có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành; tạo sự tin tưởng, ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân về nền hành chính phục vụ văn minh, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả. Trong 5 năm qua, số lượng thủ tục hành chính được giải quyết tại Trung tâm là 1.405 thủ tục, chiếm 97,4% số thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc thẩm quyền của 16 sở, ngành; trong đó thủ tục hành chính trực tuyến là 1.228 thủ tục, chiếm 87,4%.
Công tác cải cách hành chính đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm, thể hiện bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các nội dung từ cải cách thể chế, bộ máy, tài chính công đến hiện đại hóa nền hành chính... Chính vì vậy, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập. Đây được xem là một trong những bước đột phá, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giải quyết các thủ tục hành chính của tỉnh cho doanh nghiệp, người dân. Thông qua việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, hướng tới một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân tốt hơn.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, TP. Việt Trì đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, phường tăng cường công tác cải cách hành chính. Trong quá trình triển khai, TP đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân tại bộ phận “một cửa” các cấp trên địa bàn các xã, phường.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính đã giúp các thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, góp phần tăng niềm tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Để cải cách hành chính trở thành khâu đột phá, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. UBND tỉnh Phú Thọ tập trung xây dựng chính quyền điện tử hoạt động hiệu quả, đồng bộ, liên thông, thống nhất 4 cấp.
Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, Phú Thọ đã và đang từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nâng cao uy tín vị thế của địa phương trong cả nước; đồng thời góp phần và tạo cơ sở để tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc./.