Phú Thọ đưa cây chè thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế
HTX sản xuất Chè an toàn Long Cốc xã Long Cốc, huyện Tân Sơn là một trong những điển hình về phát triển và xây dựng thương hiệu chè. Được thành lập năm 2018 trên cơ sở chuyển đổi từ tổ hợp tác lên HTX và trở thành cầu nối liên kết, giải quyết khó khăn về giống, phân bón, khoa học - kỹ thuật, đầu ra sản phẩm và nâng cao thu nhập cho các hộ trồng chè. Ðến nay, HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè tập trung với diện tích hơn 22 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 500 tấn chè búp tươi, cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn chè xanh thương phẩm.
Xã Long Cốc là một trong những xã có diện tích trồng chè nhiều nhất của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Chỉ tính riêng diện tích do người dân quản lý lên đến trên 400ha, mỗi năm cho sản lượng trên 3.000 tấn chè búp tươi. Trước đây người dân sản xuất chè tự phát, mạnh ai nấy làm, người dân trồng những giống cũ, sản phẩm là chè búp tươi bán cho các thương lái nên thu nhập thấp, diện tích ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, những năm gần đây ngoài thành lập HTX chè an toàn Long Cốc, xã đã tổ chức cho các hộ học tập kinh nghiệm tại một số đơn vị sản xuất chè có uy tín trong nước; tổ chức nhiều lớp tập huấn để người dân tham gia vào quy trình sản xuất chè sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Phú Thọ hiện có gần 16 nghìn ha đất trồng chè, năng suất đạt gần 118 tạ/ha; sản lượng hơn 185 nghìn tấn/năm. Hiện nay, mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ chế biến, cải tiến mẫu mã bao bì, ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ đang được triển khai tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Ba, Phù Ninh, Thanh Thủy... tổng diện tích các mô hình trên 16ha.
Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng hiệu quả, phát triển bền vững mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huy động, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tập trung phát triển cây chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Dự kiến, kinh phí đầu tư cho phát triển ngành chè là trên 118 tỷ đồng.
Với vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng, các đồi chè xanh mướt, Phú Thọ ngày càng có nhiều du khách tìm về tham quan, checkin. Để đưa cây chè phát triển gắn với du lịch, tỉnh Phú Thọ cũng đang tập trung thực hiện hai mục tiêu, đó là tăng cường quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm chè đến với người dân và khách du lịch; đồng thời đầu tư cơ sở dịch vụ, du lịch gắn với cây chè./.
Thực hiện: Ngọc Hoà - Trọng Khánh