Phú Thọ xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân
Với vị trí “ngã ba sông” - điểm giao nhau của sông Hồng, sông Đà và sông Lô, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc. Bên cạnh tiềm năng, lợi thế về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, xã hội... yếu tố quan trọng trong thu hút các doanh nghiệp là sự tin cậy về cơ chế, chính sách. Những năm gần đây, môi trường đầu tư ở Phú Thọ ngày càng được cải thiện theo hướng minh bạch, cởi mở, thuận lợi và thân thiện, sẵn sàng đón nhà đầu tư.
Xác định doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, qua đó, đã tạo nền tảng về chuyển biến nhận thức, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân; tạo diện mạo hoàn toàn mới về một chính quyền năng động, lấy doanh nghiệp làm trung tâm hoạt động; qua đó thúc đẩy các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư FDI, thời gian qua Phú Thọ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, mọi vướng mắc của doanh nghiệp FDI đều được linh hoạt tháo gỡ, góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư thành công tại tỉnh, tạo nên động lực thu hút các doanh nghiệp khác. Tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh của Phú Thọ, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã quyết định gắn bó lâu dài, liên tục tăng vốn đầu tư.
Theo đánh giá, năm 2022 chỉ số CPI của tỉnh Phú Thọ đạt 66.30 điểm, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đáng chú ý, Phú Thọ nằm trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước ở điểm hai chỉ số thành phần: Tính năng động và tiên phong (7.26 điểm), Đào tạo lao động (6.53 điểm). Gần 3 năm qua, Phú Thọ đã thu hút 472 dự án đầu tư tư nhân (DDI) với vốn đăng ký 51 nghìn tỷ đồng, 77 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký trên 188 tỷ đồng (tăng 27,7 tỷ đồng), bình quân 1 dự án FDI trên 33,8 triệu USD (tăng 24,2 triệu USD so với giai đoạn trước.
Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025 đặt mục tiêu, tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành thực hiện chủ trương xuyên suốt là “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”. Góp phần nâng cao năng suất hoạt động và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính trong sạch, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm vì người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện: Ngọc Hòa - Đức Thành - Đàm Trượng