Phú Thượng – Nơi in dấu chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trở về Hà Nội năm 1945
Bến đò Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
Dòng sông Hồng vẫn đỏ nặng phù sa. Cuộc sống có bao đổi thay thì đây vẫn mãi là một nơi đặc biệt, khắc ghi trong lòng người dân Phú Thượng hôm nay. Vào buổi chiều ngày 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cập bến đò này cùng đoàn cán bộ trở về Thủ đô. 45 bậc thang từ trên bờ dẫn xuống bến sông đã được chính quyền và người dân nơi đây xây dựng tượng trưng cho sự kiện năm 1945 lịch sử.
Sau khi lên bờ, Bác Hồ về tạm nghỉ ở đình làng Phú Xá vốn là nơi tự vệ Phú Xá đặt làm trụ sở, hỏi han chuyện trò với người dân về giá cả lương thực, thực phẩm và đời sống của dân làng.
Chiều tối, Người về nghỉ ở gia đình cụ Nguyễn Thị An trong làng. Trong ba ngày nghỉ lại tại đây (từ ngày 23- 25/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc về kết quả của cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9. Những kỷ niệm về Bác trong những ngày ở đây vẫn được con cháu của cụ Nguyễn Thị An kể lại với niềm xúc động đặc biệt.
Sau 78 năm, những kỷ vật trong căn nhà lưu niệm Bác Hồ vẫn được những thế hệ con cháu của cụ Nguyễn Thị An trông coi cẩn thận. Ngôi nhà đã trở thành di tích lịch sử quốc gia và địa chỉ du lịch về nguồn ý nghĩa của nhân dân cả nước.
78 năm đã trôi qua, nhưng những di tích lịch sử nơi ở Phú Thượng – nơi in dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu trở về Thủ đô từ chiến khu Việt Bắc vẫn được giữ gìn trang trọng, trở thành “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết… cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Thực hiện: Lê Liên – Trọng Khánh