Món ăn dân dã thành thương hiệu
Khi phóng viên đến Phú Thượng làm phóng sự này, những người làm nghề xôi nơi đây rất tự hào với thương hiệu xôi của làng đã đến với bạn bè quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, phục vụ cho phóng viên tác nghiệp ở Trung tâm báo chí.
Bà Vũ Thị Loan - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Xôi Phú Thượng cho biết: "Chúng tôi rất tự hào, thương hiệu xôi Phú Thượng đã được giới thiệu tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội với hàng trăm nhà báo cũng như quan chức nhiều nước trên thế giới biết đến."
Ngay từ chọn và đãi gạo và đỗ đã thể hiện sự công phu của những người làm nghề xôi ở Phú Thượng.
Xôi là món ăn dân dã, nhưng được xếp vào danh sách đặc sản và mang thương hiệu không chỉ của một làng mà nay được đăng ký thành một thương hiệu của đất Hà thành và có chỉ dẫn địa lý.
Chị Công Thị Kim Chinh làm nghề được 20 năm. Chị Công Thị Kim Chinh tự hào nói rằng: "Nấu xôi ai cũng biết làm, nhưng để có thương hiệu xôi ngon ngoài việc lựa chọn nguyên liệu thì, bí quyết làm nghề, cùng với sự khéo léo tinh tế trong chế biến ẩm thực sao cho ăn ngon, hợp vệ sinh và giữ được hương vị gia truyền đó là cái cốt tạo ra thương hiệu “Xôi Phú Thượng” - Hà Nội".
Bà Mai Thị Lan rắc muối vào gạo.
Chị Công Thị Kim Chinh rắc bột nghệ làm màu cho gạo.
Cách nấu xôi ngon của người Phú Thượng
Cũng giống chị Chinh, bà Mai Thị Lan (Tổ dân cư số 6, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) người đã có 25 năm làm nghề thổi xôi ở Phú Thượng chia sẻ: Làm nghề thổi xôi dù dân dã nhưng phải có cái tâm. Từ việc chọn nguyên liệu, thổi xôi cho đến khi bán đều ở cái tâm. Chính vì thế xôi Phú Thượng - gói quà quê rẻ tiền nhưng thơm ngon đã theo chân du khách đến nhiều phương trời xa xôi và đến với cả nước ngoài.
Đảo gạo cho đều màu và gia vị.
Gạo đã được tạo thành nhiều màu khác nhau.
Theo bà Vũ Thị Loan - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Xôi Phú Thượng: Nghề xôi Phú Thượng có từ lâu đời nhưng, làng nghề Xôi Phú Thượng mới được công nhận thương hiệu “xôi Phú Thượng” và có chỉ dẫn địa lý từ năm 2017, Hiệp Hội đã tuyên truyền cho các hội viên trong làng nghề giữ gìn thương hiệu.
Hiệp hội đã hỗ trợ cho các gia đình đi quảng bá, giới thiệu thương hiệu “xôi Phú Thượng” qua các Hội chợ trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, TP khác. Để có được món xôi ngon, coi nghề nấu xôi là nghề chính của làng, các cấp ủy đảng, chính quyền và Hiệp hội làng nghề đã quan tâm đến phát triển đi đôi với nâng cao chất lượng ẩm thực.
Đưa gạo vào nồi để đồ xôi.
Theo đánh giá của địa phương, đến nay phường Phú Thượng có 600 gia đình làm nghề thổi xôi. Trong đó, đã có 350 gia đình đăng ký tham gia Hiệp hội làng nghề. Hầu hết các gia đình làm nghề đều có thu nhập tương đối khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, đảm bảo đủ điều kiện chi phí sinh hoạt ổn định, đầu tư cho con cái học hành...
Lớp thế hệ sau tiếp nối truyền nghề của thế hệ trước, người Phú Thượng đang vừa gìn giữ và phát triển nghề xôi. Trước kia chỉ có 2 món xôi là xôi trắng và xôi đỗ. Bây giờ, Phú Thượng đã phát triển đến 9 - 10 món xôi khác nhau, với đủ các màu sắc, như: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng … Tất cả các màu sắc để nấu xôi đều được người dân lấy từ các loại lá, quả và củ trong tự nhiên, như lá nếp, lá cẩm, gấc, củ nghệ, đậu đỗ…
Mỗi món xôi là sự kết tinh hương vị của cả trời, đất và lòng người, mang lại cảm nhận riêng biệt trong lòng thực khách. Xôi Phú Thượng không chỉ là món ăn quà sáng, quà vặt mà đã được nhiều nhà hàng, khách sạn đặt tiệc.
Tinh tế của người Phú Thượng là từ 2 - 3 món xôi đến nay đã tạo ra 9 - 10 món xôi khác nhau với đủ loại màu sắc, hương vị.
Nghề làm xôi Phú Thượng không chỉ mang lại cuộc sống đủ đầy cho các gia đình trong làng mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn người bán lẻ xôi ở khắp các ngõ ngách trên địa bàn Hà Nội.
Những người làm xôi Phú Thượng tự hào về một đặc sản với thương hiệu lâu đời, góp phần an sinh xã hội, xây dựng đời sống đô thị văn minh ngày càng hiện đại. Với họ vẫn mong muốn được đem đến cho thực khách những thú vị riêng khi biết, tìm hiểu về làng nghề và thưởng thức xôi Phú Thượng.
Bích Hời/ kinhtedothi.vn