Video Phóng sự VOV

Quản lý tài nguyên nước tổng hợp trên khu vực sông Mekong và bài học từ sông Danube

Quản lý tài nguyên nước tổng hợp là cách thức hữu hiệu để giải quyết xung đột nguồn nước xuyên biên giới và nội bộ. Đây là mục tiêu của đề tài nghiên cứu khoa học "Quản lý tài nguyên nước tổng hợp trên khu vực sông Mekong và bài học từ sông Danube"
21:49 - 29/07/2024

QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TỔNG HỢP TRÊN KHU VỰC SÔNG MEKONG VÀ BÀI HỌC TỪ SÔNG DANUBE

Một đề tài nghiên cứu khoa học có tên gọi: "Quản lý tài nguyên nước tổng hợp thông qua đối thoại song phương với sự tham gia của các bên để cung cấp và tái sử dụng nước quy mô nhỏ trong các lưu vực sông Danube và sông Mê Kông" được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và chính thức triển khai nghiên cứu năm 2021 và hoàn thành năm 2024. Mục tiêu của đề tài nhằm góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên nước giữa các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong và vấn đề khan hiếm tài nguyên nước trong tương lai thông qua đối thoại đa phương và thông qua việc xây dựng mô hình xử lý nước ô nhiễm làm nước cấp phục vụ mục đích sinh hoạt. 

Hiện nay, mặc dù môi trường chính sách về quản lý nguồn nước ở các quốc gia khu vực sông Mê Kông đã có nhiều tiến bộ, song vẫn tồn tại một số hạn chế. Ở cấp độ quốc gia, các nước trong khu vực sông Mê Kông đã ban hành và thông qua các luật về tài nguyên nước, luật bảo vệ môi trường (trong đó đề cập tới vấn đề ô nhiễm nguồn nước), qua đó an ninh nguồn nước được quan tâm hơn và nhiều chỉ số an ninh nguồn nước đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, quá trình thi hành những nguyên tắc, điều luật này vẫn còn nhiều vướng mắc, vẫn còn có những cơ quan thực thi và quản lý nguồn nước chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn xuất hiện tình trạng chồng chéo, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ để quản lý nguồn nước một cách thống nhất. Thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, sự hạn chế năng lực quốc gia trong việc đáp ứng nguồn cung nước..., từ đó có thể dẫn tới những thất bại trong bảo đảm an ninh nguồn nước

Bên cạnh đó, với thực trạng chất lượng nguồn nước hiện tại đang bị ô nhiễm, giải pháp về công nghệ cũng được đặt ra nhằm giải quyết vấn đề về việc suy giảm nguồn nước. Nghiên cứu công nghệ nhằm tái sử dụng nước thải làm nước sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân là hướng đi được các nhà khoa học quan tâm và nghiên cứu.

Bài học từ sông Danube trong giải quyết các vấn đề an ninh nguồn nước đó là phải tạo khung pháp lý cho hợp tác và quản lý nguồn nước xuyên biên giới trong lưu vực. Ngày 29/6/1994, tại Sofia (Bungary), các nước thuộc lưu vực sông Danube đã ký công ước hợp tác, bảo vệ và sử dụng bền vững sông danube bởi 11 trong số 13 quốc gia ven sông. Đây là khung pháp lý cho bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Theo đó, các nước trong lưu vực phải xây dựng và thực thi chương trình bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước trong tất cả các chương trình phát triển của mình. Mục tiêu của Hiệp ước là giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động kinh tế - xã hội đến môi trường sông và các hệ sinh thái; duy trì, nâng cao khả năng cung cấp và chất lượng nguồn nước trên lưu vực; tiến hành kiểm soát, xử lý chất thải nguy hại từ các sự cố môi trường và ngăn ngừa lan truyền ô nhiễm; phát triển hợp tác trong quản lý nguồn nước lưu vực.