Siết chặt quản lý việc chấp hành quy định với xe đưa đón học sinh
Thực tế hiện nay không chỉ ở các thành phố lớn mà việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô tại các trường học đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương vì sự thuận tiện cũng như lợi ích mà loại hình phương tiện này đem lại. Nhưng từ sự việc học sinh bị bỏ quên dẫn đến tử vong xảy ra tại Thái Bình vừa qua hay trước đó là tại trường Gateway (Hà Nội), vụ việc học sinh rơi khỏi xe đưa đón dẫn đến thiệt mạng ở huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La)... đã đặt ra nhiều dấu hỏi về chất lượng phương tiện, kỹ năng phục vụ của lái xe cũng như việc giao nhận học sinh…
Theo ý kiến của các phụ huynh, hầu hết xe vận tải khách đưa đón trẻ mầm non, học sinh đều chưa có tiêu chuẩn riêng. Mỗi trường sẽ có cách tiếp cận khác nhau để tìm dịch vụ chuyên chở và xây quy trình riêng. Do đó, các phụ huynh chia sẻ quan điểm, cần chuẩn hóa xe đưa đón học sinh. Một trong những yêu cầu là không dán kính đen nhằm phòng tránh việc học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón đến trường.
Rõ ràng, trước những bất cập của xe đưa đón học sinh hiện nay, rất cần nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong kiểm soát loại hình vận tải này. Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến đã có những quy định cụ thể đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ mầm non. Từ niên hạn sử dụng, màu sơn theo quy định, gắn thiết bị giám sát hành trình, còi báo động… cho đến người quản lý học sinh mầm non, tiểu học trên xe…
Thực tế hiện nay ở Việt Nam đã có một số trường triển khai đưa camera AI vào giám sát công tác dùng xe đưa đón trẻ và học sinh đến trường. Tuy nhiên công nghệ chỉ là giải pháp để hỗ trợ quy trình giám sát của nhà trường. Nhà trường cần có quy trình kiểm tra, giám sát công tác này một cách chặt chẽ, bởi công nghệ mà thiếu quy trình vẫn có thể xảy ra sự cố. Cuối cùng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, là trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em.
Thực hiện: Thu Hương – Trọng Khánh – Quốc Hùng