Sức sống làng nghề giày da Hoàng Diệu
Tam Lâm hay 3 làng Trắm là tên gọi chung 3 làng Phong Lâm, Văn Lâm và Trúc Lâm thuộc tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ. Đây chính là quê hương của nghề giày da truyền thống nổi tiếng Việt Nam có từ cách đây hơn 500 năm. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, ba làng thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Theo sử sách ghi lại, các vị sư tổ khai sáng nghề là Phạm Quý Công tự Đức Chính, Nguyễn Quý Công tự Sĩ Bân, Phạm Quý Công tự Thuần Chính và Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung. Khi sang Trung Quốc thời Minh đã tìm hiểu, học hỏi công nghệ làm giày da với mong muốn đem về nước và truyền dạy cho dân. Các vị đã học được cách thức làm nghề thuộc da, đóng giày dép. Nhân dân ba làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm là quê hương của các vị nên được truyền nghề đầu tiên. Hiện nay, 3 làng đều có di tích thờ các vị sư tổ nghề giày da nhằm tưởng nhớ công lao của các ngài. Từng có thời kỳ phát triển, tuy nhiên do nhu cầu đi giày dép chỉ tập trung ở các thành phố nên các thợ giỏi trong làng đều chuyển đi nơi khác sinh sống và làm nghề. Và rồi làng nghề ngày dần mai một… Người dân nơi đây đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn tưởng như có lúc không sống nổi bằng nghề ông cha để lại. Thế nhưng, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, do nhu cầu của thị trường, một số người đã quyết định quay lại với nghề gia truyền tổ tiên để lại. Theo đuổi nghề làm giày dép da trên 30 năm, anh Nguyễn Tiến Sơn là một trong những người con của xã Hoàng Diệu luôn đau đáu với nghề. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, anh đã quyết định học nghề và duy trì nghề truyền thống của cha ông.
Là một trong những nghệ nhân của làng, ông Nguyễn Hữu Hoàn nổi tiếng với những sản phẩm giày dép da bền, đẹp, có tính thẩm mỹ cao. Hơn 30 năm gắn bó với nghề truyền thống, với đôi bàn tay khéo léo, ông đã làm nên hàng nghìn đôi giày tiêu thụ khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Làng nghề giầy da của Hoàng Diệu cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đó là hoạt động sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tương xứng với tiềm năng của một làng nghề truyền thống. Đại đa số các hộ làm nghề làm gia công cho các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh và sản phẩm khi bán ra thị trường mang nhãn hiệu của của các cơ sở kinh doanh đó mà không phải là nhãn hiệu của làng nghề.
Chính vì vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu cho làng nghề giầy da Hoàng Diệu là cần thiết. Sự giúp đỡ, vào cuộc của các cơ quan chức năng sẽ giúp bảo vệ sản phẩm, quyền lợi cho làng nghề. Từ đó góp phần gìn giữ, phát triển ổn định sản xuất cho làng nghề truyền thống đã có tuổi đời hơn 500 năm tuổi./.
Thực hiện: Vũ Vy - Hồng Thuý - Trọng Đại