Tăng cường các giải pháp bảo mật thông tin cho doanh nghiệp trong thời đại số
Vào ngày 2/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam PVOIL đã thông báo bị mã hóa dữ liệu. Sự cố diễn ra, khiến hệ thống công nghệ thông tin bị ngưng trệ. Trước đó, ngày 24/3, công ty chứng khoán VNDirect bị một tổ chức quốc tế tấn công mã hóa dữ liệu, phải ngừng hoạt động nhiều ngày. Hàng loạt các cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu xảy ra liên tiếp thời gian qua đã và đang tạo ra những áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp trong hoạt động bảo mật thông tin khi áp dụng công nghệ số, bởi ngoài những lợi ích mà nó mang lại thì còn rất nhiều lỗ hổng cần khắc phục.
Theo thống kê từ 1 hệ thống bảo mật của Công ty An ninh mạng Viettel, năm 2023 đã ghi nhận hơn 30 nghìn tài khoản của các đơn vị bán lẻ và sản xuất bị xâm nhập, với 126 chiến dịch tấn công vào các cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức và 24 vụ rao bán thông tin cá nhân bị phát hiện, tăng 200% so với năm trước đó. Tính riêng tại Việt Nam, thiệt hại do các vụ tấn công mạng và lừa đảo trực tuyến gây ra là trên 8 nghìn tỷ đồng. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết về bảo mật thông tin như hiện nay, hàng loạt các giải pháp bảo mật đã và đang được cho ra đời nhằm ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra cho hệ thống thông tin.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã chung tay cùng các doanh nghiệp cho ra mắt nhiều ứng dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bảo mật thông tin, mới đây nhất là hoạt động ra mắt nền tảng “Quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin”.
Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ số hiện đại cũng đòi hỏi nhiều điều kiện cả về cơ sở hạ tầng, chi phí vận hành rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng, vậy nên rất cần sự đồng hành chung tay từ phía nhà nước cùng các cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong vấn đề này.
Thực hiện: Quỳnh Trang - Chí Phương