Tạo nền tảng pháp lý cho phát triển Khoa học Công nghệ ở Thủ đô
Góp ý về những cơ sở cho việc phát triển khoa học công nghệ ở Thủ đô, GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, dự thảo luật sửa đổi đã cụ thể hóa được khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, tạo cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đổi mới công nghệ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt gắn việc nghiên cứu khoa học công nghệ với hiệu quả thực tế trên thị trường.
Theo GS. TS Nguyễn Thị Lan, để dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi hỗ trợ tốt hơn, hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý cho hoạt động công nghệ thì cần bổ sung thêm một số nội dung như việc hình thành quỹ đổi mới sáng tạo; quỹ đầu tư mạo hiểm với các quy định phù hợp với đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội; Đề xuất khoán chi theo kết quả sản phẩm nghiên cứu khoa học; Khoán trọn gói theo các sản phẩm trung gian hoặc là sản phẩm cuối cùng thì mới thúc đẩy được nghiên cứu sản phẩm, từ đó mới chủ động nắm được bí quyết công nghệ.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để phát triển hệ thống giao thông thông minh ở Thủ đô. PGS. TS Nguyễn Thanh Chương, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải kiến nghị, khi sửa luật thủ đô cần quan tâm đến việc xử lý dữ liệu giao thông sao cho hiệu quả, hạn chế phương tiện cá nhân và những vấn đề giao thông công cộng của một đô thị văn minh, hiện đại.
Cũng liên quan đến giao thông, nhiều chuyên gia kiến nghị, hạ tầng giao thông phải gắn với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, môi trường, và các hạ tầng khác, đồng thời các hạ tầng phải kết nối với nhau, kết nối với chính quyền thành phố và tất cả phải hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Để có sự kết nối đó, vai trò khoa học công nghệ là không thể thiếu.
Hiện dự thảo Luật thủ đô sửa đổi đang bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hà Nội đang tiếp tục tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo để thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của Thủ đô, trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển./.
Xem lại: Cần giải pháp an toàn phòng cháy cho chung cư mini, nhà cho thuê
Xem lại: Thêm nhiều đặc sản được sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”