Thăng hoa nét bút thư pháp Việt
Thư pháp chữ Hán, Nôm xuất hiện ở nước ta hàng trăm năm trước nhưng sự ra đời của thư pháp quốc ngữ chỉ mới từ khoảng đầu thế kỷ 20. Mới đầu, dòng thư pháp non trẻ này đã gặp không ít khó khăn, trở ngại khi gặp phải định kiến rằng, thư pháp vốn là loại hình gắn với chữ tượng hình, trong khi chữ quốc ngữ lại là chữ tượng thanh. Nhưng điều đó không ngăn cản được những người có tình yêu và mong muốn hình thành bản sắc văn hoá Việt qua nét thư pháp. Ấy vậy mà có rất nhiều người đã nghiên cứu, tìm tòi và dần khẳng định nét đẹp, tìm chỗ đứng của thư pháp quốc ngữ, dần lan toả mạnh mẽ đến công chúng.
Mới đây, triển lãm thư pháp Quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm” tổ chức tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đã gây nhiều tiếng vang, tạo ấn tượng mạnh mẽ với đông đảo người xem và du khách. Triển lãm được tổ chức nhằm giới thiệu và trình diễn nghệ thuật thư pháp Quốc ngữ theo với sự pha trộn của thư pháp truyền thống và đương đại. Sự kết hợp của nghệ thuật sắp đặt cùng hiệu ứng ánh sáng, tạo nên một “làn gió mới” cho thư pháp Quốc ngữ đến với công chúng. Đồng thời, là nơi giao lưu, kết hợp, là sân chơi của những thư pháp gia 3 miền với mong muốn mở ra hướng đi mới cho hoạt động thư pháp Quốc ngữ.
Không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo mà các ông đồ xưa hay người viết thư pháp ngày nay còn phải có kiến thức uyên bác, sâu rộng về ngữ, nghĩa của từng con chữ, hiểu về những áng thơ văn. Cùng với đó là những kỹ pháp điêu luyện và một con người có nhiều đức tính tốt đẹp.
Thư pháp Quốc ngữ không chỉ phục vụ việc xin chữ, cho chữ hay mang đến các tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng mà loại hình này đã được ứng dụng một cách đa dạng, linh hoạt trong các mặt hàng, sản phẩm và chất liệu, phục vụ rất nhiều mục đích khác nhau ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều đó cũng chứng minh cho sự phát triển của thư pháp Quốc ngữ trong đời sống hiện nay.
Chữ Quốc ngữ đã gắn liền với con người Việt Nam từ ngàn đời nay, thể hiện cho một phần văn hoá của dân tộc. Và thư pháp đã giúp cho những con chữ được bay bổng, thăng hoa, đạt đến nghệ thuật. Và nghệ thuật ấy có sức sống mạnh mẽ hay không đều phụ thuộc vào không chỉ những người hoạt động thư pháp mà còn cả sự đón nhận của đông đảo công chúng. Để những giá trị và nét đẹp văn hoá đó sẽ luôn được gìn giữ, phát huy đến muôn đời sau./.
Thực hiện: Kim Anh - Hoàng Thuyên - Quốc Việt