Thành cổ Sơn Tây – Tòa thành đá ong độc đáo xứ Đoài
Cách thủ đô Hà Nội 45km về phía tây, Thành cổ Sơn Tây thuộc địa phận của cả hai làng cổ là Thuận Nghệ và Mai Trai thuộc thị xã Sơn Tây. Được xây dựng vào năm 1822, dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, với lối kiến trúc độc đáo, xây dựng từ đá ong, Thành cổ Sơn Tây có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, là một trong những lũy thép bảo vệ Kinh thành Thăng Long.
Trải qua hơn 200 năm, đến nay, Thành cổ Sơn Tây vẫn được bảo tồn và lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự, khoa học. Người dân trong vùng tự hào về thành cổ Sơn Tây qua câu ca: "Thành Sơn cổ kính lừng danh - Vọng cung, Võ miếu tường thành hiên ngang."
Thành cổ Sơn Tây có mặt bằng tổng thể hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 400m. Tổng diện tích khoảng 16ha, được xây theo kiểu Vauban (kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư người Pháp Vauban). Theo các tư liệu cũ, khi tường thành chưa bị phá hủy, đây là một công trình khá đồ sộ với chiều cao trung bình khoảng 5m, chân thành rộng 6m, mặt thành rộng 4m. Xung quanh thành có hào sâu 3m, rộng 20m, chu vi khoảng 2.000m. Hào hộ thành được nối thông với sông Tích Giang tại góc phía Tây Nam thành. Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa Tiền và cửa Hậu.
Thành có bốn cửa quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông lần lượt có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Mỗi cổng thành có hình tứ giác, có mặt cắt hình thang. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh (vọng lâu) và chỉ có duy nhất một lối ra vào. Phía ngoài có đắp Dương mã thành (mang cá) hình chóp nón chắn phía ngoài của thành. Bề mặt thành có nhiều lỗ phía trên để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài.
Trong thành, các công trình được xây dựng theo kiểu đối xứng trên trục trung tâm Nam - Bắc. Chính giữa là Vọng cung là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần và là nơi để các quan trong trấn hằng năm tới tế lễ hoặc bái vọng mỗi khi có chiếu chỉ.
Thành chính bên trong được xây dựng một kỳ đài to lớn hình tháp 8 cạnh, cao 18 mét với nhiều ô cửa sổ nhỏ. Kỳ đài vừa là tháp canh vừa là cột cờ của thành trì, là địa điểm quan sát cao nhất của lính An Nam. Phía bên trong tháp là một cầu thang đá với kiểu kiến trúc xoáy trôn ốc với 50 bậc đá dài.
Công trình kiến trúc nổi bật nhất ở trong thành phải kể đến Điện Kính Thiên và cổng Vọng Cung (Đoan Môn cổ). Đây là khu vực an tọa, nghỉ ngơi và đi lại của nhà vua vào các ngày lễ tế, lễ bái long trọng, uy nghiêm.
Ngoài các chiến lũy với hệ thống thông hào chằng chịt, lũy tre xanh thẳng tắp, thành còn được bố trí ba khẩu đại bác to lớn ở 3 mặt tiền phục vụ cho mục đính tấn công và phòng thủ, bảo vệ sự an toàn của nhà vua và thành trì. Bên trong thành được trang bị đầy đủ lương thực, súng đạn, thuốc men ở mỗi dinh thự và doanh trại, phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian nan của dân tộc. Với quy mô rộng lớn và vị trí địa lý đặc địa, thành cổ hiện lên là một thành trì vững chắc, được mệnh danh là nơi phòng thủ vĩ đại trong lịch sử nước ta.
Thành cổ Sơn Tây là đại diện cho một thời kỳ xây dựng thành lũy nhiều nhất ở Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc chiếm đất làm thuộc địa diễn ra hầu khắp trên thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, Thành cổ Sơn Tây hiện còn những dấu tích tốt nhất, minh chứng cho kỹ thuật xây dựng công trình quân sự phòng thủ ở phía Bắc, vì hầu hết các tòa thành khác đã cơ bản mất hết dấu tích hoặc không dễ dàng tiếp cận dấu tích còn lại.
Điều đặc biệt là Thành cổ Sơn Tây được xây đắp hoàn toàn bằng đá ong - loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, lại rất sẵn có ở xứ Đoài. Theo thời gian, hầu hết các đoạn tường thành đã bị sụp đổ, nhưng vẫn còn một vài đoạn tường thành cũ. Ðược xây bằng đá ong nên những đoạn tường này phủ dày rêu phong, tạo nên vẻ đẹp trầm mặc. Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo, ngay từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích. Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hiện nay, thành cổ đá ong Sơn Tây đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc quân sự độc đáo thu hút khách tham quan. Thành cổ Sơn Tây còn được ví như công viên giải trí, lá phổi xanh nằm giữa lòng đô thị với thảm thực vật phong phú. Ấn tượng đầu tiên mà du khách dễ dàng cảm nhận ở thành cổ Sơn Tây là hình ảnh những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm. Những bộ rễ sần sùi vươn dài ôm trọn lấy những bờ tường rêu phong, những cổng thành đổ nát tạo một nét đẹp cổ kính.
Qua gần 200 năm, phần lớn Thành cổ Sơn Tây đã bị phá hủy một phần. Những dấu tích còn sót lại chủ yếu là đoạn tường thành, cổng thành, giếng nước, khẩu súng thần công và một số chi tiết nhỏ trong Vọng cung, Điện Kính Thiên… Tuy nhiên, Thành cổ Sơn Tây vẫn hiện lên với vẻ đẹp của kiến trúc quân sự, là một di sản văn hóa quý báu để con cháu ngàn đời sau trân quý và gìn giữ.
Thực hiện: Hải Hà – Hoàng Thuyên