Video Tin trong nước

Thế giới nhận thức về tự kỷ: Giải pháp nào để tìm việc làm cho người tự kỷ?

Ngày 2/4 hàng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là ngày ‘Thế giới nhận thức về tự kỷ”.Tuy nhiên, những khiếm khuyết về sức khỏe tâm thần khiến cho nhóm đối tượng này không dễ gì tìm được công việc phù hợp, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
21:34 - 02/04/2023

Việc làm cho người tự kỷ: Còn nhiều khó khăn

Hưng - bếp trưởng. Minh – nhân viên pha chế. Quang Anh – phụ trách nhà sách. Tùng – quản lý siêu thị. Những công việc này với nhiều người không có gì   phức tạp nhưng với 4 chàng thanh niên mắc chứng tự kỷ này, đó là một câu chuyện dài với nhiều nỗ lực của gia đình và cả cộng đồng. 

Theo anh Nguyễn Đức Trung, Tổng Giám đốc Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ tại Việt Nam VAPs, để có được những lao động thành thục là người tự kỷ sẽ phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để nắm hết các vấn đề về tâm lý của họ, giải quyết các vấn đề đó trước khi tính đến khâu đào tạo việc làm. Hạn chế về mặt kiến thức, giáo dục, ngôn ngữ, tâm lý... là một số những rào cản lớn trong quá trình hướng nghiệp và dạy nghề cho người tự kỷ.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 200.000 người tự kỷ. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm cộng đồng này là khoảng 85% - 90%, chủ yếu là nhóm thanh niên từ 18 tuổi trở lên, độ tuổi chưa nhận được sự chú ý đầy đủ của gia đình và cộng đồng về căn bệnh này. Trong khi đó, các chương trình dạy nghề, chương trình hỗ trợ việc làm hiện nay mới chỉ tập trung cho các đối tượng người khuyết tật vận động, người khiếm thị, khiếm thính mà gần như bỏ quên nhóm khuyết tật trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ trí tuệ.

Thành tựu của Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ tại Việt Nam VAPs là tạo ra được một mô hình khép kín khi người tự kỷ vừa được đào tạo nghề vừa trực tiếp làm việc, rồi người đi trước hướng dẫn người đi sau. Sự tiến bộ dễ nhận thấy nhất ở người tự kỷ là khi cho họ tương tác với mọi người, từ đó nâng cao khả năng hòa nhập với cộng đồng.  

Để người tự kỷ có việc làm cần một lộ trình bền bỉ, trong đó quan trọng nhất là cho trẻ tự kỷ một môi trường giáo dục phù hợp từ sớm, giúp trẻ tự tin hòa nhập với cộng đồng. Đây là tiền đề để người tự kỷ có khả năng tham gia thị trường lao động, thay vì nhận sự giúp đỡ hay thương hại của xã hội./.

Thực hiện: Lê Liên – Quốc Hùng