Các nhà khoa học như Tiến sỹ Kirstin Thompson đang sử dụng công nghệ mới có thể xác định nhiều loài sinh vật hiện đang lang thang trong vùng biển băng giá phía bắc. Họ hy vọng việc này sẽ giúp chỉ định phần lớn các khu vực của đại dương ở Bắc Cực được bảo vệ trước khi những hoạt động của con người gây ra sự bất ổn lớn hơn cho khu vực này.
Tiến sỹ Kirstin Thompson là giảng viên về sinh thái học ở ĐH Exeter, Vương quốc Anh. Bà đang dùng các mẫu ADN để xác định liệu một động vật nào đó có ghé thăm những vùng nước này và để lại dấu vết ADN của chúng tại đó.
Song song với việc bảo vệ các khu vực trên đại dương, việc xây dựng nên một bức tranh về đời sống của các sinh vật tại đây cũng sẽ giúp các nhà khoa học có thêm những luận cứ, thông tin tham khảo xem hiện tượng trái đất ấm lên ảnh hưởng như thế nào tới sự phân bổ của các sinh vật khi nước biển ấm lên.
Các nhà khoa học tin rằng trong những thập kỷ tới, băng ở Bắc Cực có thể tan chảy hoàn toàn trong mùa hè. Điều này cũng tạo ra một tuyến đường giao dịch trên biển hấp dẫn từ châu Á sang Mỹ và châu Âu ở phía bắc rút ngắn hàng ngàn dặm so với đi qua kênh đào Suez hay Panama.
Giao thương trên biển gia tăng đồng thời mang lại nhiều mối nguy về tai nạn và các vụ tràn dầu, cùng với đó là khả năng nhiều vùng đại dương có thể bị khai thác để lấy khoáng sản và hydrocarbon.
Hiện tại chưa có khu vực bảo vệ môi trường nào tại các vùng biển quốc tế ở Bắc Cực, trong đó có địa điểm Tiến sỹ Thompson đang lấy mẫu ADN. Các nhà môi trường học hy vọng rằng bằng chứng về một hệ sinh thái cộng sinh ở Bắc Cực sẽ giúp đạt được những thỏa thuận quốc tế ngăn chặn sự xâm phạm từ hoạt động của con người.
Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng tại đây./.