Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tỉnh Hải Dương cần thực hiện hiệu quả Chiến lược “Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Ba trục phát triển" với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương. Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể Thủ tướng yêu cầu, tỉnh Hải Dương tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển. Coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của Tỉnh. Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; Bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống; Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa KCN...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Trước đó, chiều qua (15/3), phát biểu tại Lễ Công bố quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hải Dương phải đổi mới tư duy, chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; phát triển mạnh sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường; xử lý ô nhiễm ở làng nghề, ngoài ra cần chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn và một số nhiệm vụ quan trọng khác…/.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương