Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa đã được xác định là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được đẩy mạnh phát triển thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng.
Tại nước ta, dù phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch, tiêu biểu như sức hút từ các bộ phim, các show âm nhạc cũng góp phần tạo sức nóng cho nhiều điểm đến du lịch...
Có thể thấy, phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch và ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững. Nhiều đơn vị lữ hành sớm nhận ra được tiềm năng văn hoá trong du lịch nên sớm đẩy mạnh khai thác các tour du lịch văn hoá.
Ðể có thể phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, theo các chuyên gia, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân đồng thời cần có các chính sách cụ thể và đặc thù đối với mỗi địa phương và mỗi lĩnh vực văn hoá.
Thúc đẩy du lịch trong mối liên kết công nghiệp văn hoá phải bắt nguồn từ việc tạo được chuỗi sản phẩm du lịch từ các giá trị toàn diện của di sản văn hóa, biến chúng thành những sản phẩm hang hoá đặc thù. Tuy nhiên, cần luôn đảm bảo việc phát triển, khai thác phải song hành cùng bảo tồn và tôn trọng giá trị của văn hoá./.
Thực hiện: Tiến Dũng – Quốc Hùng