Văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển xã hội. Nhà nước đã có chính sách đầu tư cho văn hóa với vị thế là một ngành kinh tế trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của đất nước.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho rằng đầu tư cho văn hóa không chỉ là bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ "hồn cốt" của dân tộc mà còn mang lại nguồn thu không nhỏ cho các địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội.
Theo bà Dương Minh Ánh, quan điểm đầu tư cho văn hóa là đầu tư không có lợi nhuận đã không còn phù hợp với xu thế hiện nay.
“Chúng ta phải coi văn hóa là một bộ phận của nền kinh tế. Tham khảo các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc, họ đã và đang thay đổi tư duy về quản lý, đề ra những chính sách phát triển văn hóa. Do đó, nền công nghiệp văn hóa của những nước này tăng trưởng rất mạnh mẽ,” bà chia sẻ.
Tại kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV vừa diễn ra tại Hà Nội, Quốc hội lên phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó nguồn kinh phí cho lĩnh vực văn hóa, thông tin từ nguồn vốn trong nước khoảng 10.275 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ là 1,12 % ngân sách Trung ương.
Trao đổi về phóng viên về kế hoạch này, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng nguồn lực dự kiến phân bổ chưa được cân đối để đảm bảo mục tiêu phát triển cho lĩnh vực này trong giai đoạn 2021-2025.
Bà đặt câu hỏi: “Về lĩnh vực văn hóa, trong rất nhiều báo cáo của Chính phủ hàng năm trình Quốc hội, phần nội dung tồn tại, hạn chế luôn có câu ‘đầu tư cho văn hóa chưa xứng với tiềm lực kinh tế’. Vậy trong 5 năm tới đây chúng ta cần phải đầu tư ra sao để khắc phục những tồn tại nêu trên?”
“Chúng ta đã đổi mới tư duy về văn hóa thì văn hóa không thể xếp cuối trong danh sách đầu tư và xếp đầu tiên trong danh sách cắt giảm ngân sách,” bà trăn trở.
Đại biểu Dương Minh Ánh kiến nghị cần đầu tư cho nguồn nhân lực ngành văn hóa, xây dựng các công trình, thiết chế, di sản văn hóa. Đây là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế gắn với văn hóa, để hài hòa sự phát triển xã hội.
Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, là bước chuyển biến về thể chế quan trọng trong tiến trình phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII một lần nữa đã khẳng định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam nằm trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước trong giai đoạn tới đây.”
Để hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với hai Bộ là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa-lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh cho hay bà rất tâm đắc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
"Giáo dục và văn hóa là hai lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đặc biệt quan tâm. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, còn văn hóa là nền tảng tinh thần. Vậy, chúng ta cần đầu tư thêm để phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, sánh ngang những nước trong khu vực," đại biểu chia sẻ.
Theo VietnamPlus
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |