Thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ
Đây là ngôi nhà Đại đoàn kết của gia đình bà Nguyễn Thị Thạc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vừa được xây dựng xong cách đây một tháng. Đó là ngôi nhà cấp 4, diện tích 70m2 xây dựng với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Trong đó, Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Phú Thọ ủng hộ 40 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh thành phố 30 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ thành phố vận động ủng hộ gạch lát và mái lợp; Phường Thanh Miếu vận động ủng hộ 40 triệu đồng… Số tiền còn lại do nhân dân khu 9 và anh em trong họ tộc giúp đỡ.
Về thôn Tạ Bì, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy hỏi tới chị Tạ Thị Hện hầu như ai cũng biết bởi chị đang rất thành công với mô hình nuôi bò sinh sản. Trước đây, cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2022, thông qua Hội Nông dân xã, chị đã được tiếp cận 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Thanh Thủy. Có nguồn vốn chị đầu tư chuồng trại, mua bò giống về nuôi, đến nay đàn bò sinh trưởng phát triển tốt và bắt đầu có lãi.
Không đầu tư chăn nuôi như chị Hện, nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Thanh Thủy khi được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế như trồng rau, nuôi cá... Nhờ đó mà kinh tế được cải thiện, cuộc sống bớt khó khăn. Điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên sông như thế này đã rất thành công vì đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có 13 huyện, thị, thành trong đó có 10 huyện miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua bên cạnh việc phát triển kinh tế, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để xây dựng và phát tiển tỉnh Phú Thọ. Chỉ sau 10 năm (2012-2022), tỉnh Phú Thọ đã thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên đứng đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc về trình độ phát triển.
Những năm qua, tỉnh Phú Thọ cũng đã tập trung thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, chính sách lao động, việc làm… từ đó giúp cho người dân được tiếp cận, thụ hưởng trực tiếp các chính sách ưu đãi, làm động lực để giúp người dân thoát nghèo và vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hài lòng của người bệnh đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đạt trên 98%.
Cùng với nguồn ngân sách Trung ương, 10 năm qua, toàn tỉnh đã tiến hành rà soát, huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa 10.275 nhà ở cho người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. Nhiều chương trình trong các lĩnh vực đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo động lực phát triển bền vững.
Thực hiện: Ngọc Hòa - Đức Thành - Đàm Trượng