Video Phóng sự VOV

Tiếp tục chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo luật Thủ đô “Sửa đổi”

Ngày 27/11 Luật Thủ đô sửa đổi đã được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến. Hầu hết các đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi toàn diện luật này, xong cũng đề nghị xem xét, bổ sung, làm rõ một số vấn đề để khi luật đi vào thực tiễn.
19:17 - 03/12/2023

Tiếp tục chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo luật Thủ đô “Sửa đổi”

Phát biểu tại hội trường, một số đại biểu cho biết, liên quan đến chính sách thu hút nhân tài giai đoạn 2013 – 2022 Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học. Từ thực tế này, đại biểu cho rằng không thể đưa ra một số ưu đãi rồi chờ người tài đến với mình, mà phải chủ động tìm kiếm lôi kéo nhân tài về với mình. Các ý kiến cũng chỉ ra, một số nội dung quy định tại Điều 17 về thu hút nhân tài còn chưa rõ, chưa đầy đủ, chẳng hạn như quy định về việc hỗ trợ đào tạo, đại biểu đề nghị làm rõ về đối tượng được hỗ trợ và việc hỗ trợ đào tạo cần có ràng buộc trách nhiệm.

Trao đổi bên ngoài hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng việc xác định thế nào là người tài cần phải được xem xét thông qua các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, có xác định được yếu tố này thì từ đó mới thu hút đúng người, bố trí sử dụng đúng nhân lực có tài năng thực sự.

Liên quan đến mô hình chính quyền đô thị, các đại biểu cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97 của Quốc hội. Tuy nhiên nên nghiên cứu, áp dụng mô hình chính quyền đô thị như tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. 

Liên quan đến đề xuất trong dự thảo về quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trong dự thảo Luật thủ đô sửa đổi, ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét tính khả thi của quy định này bởi đây là biện pháp không chỉ tác động đến tổ chức, cá nhân có công trình mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của các công dân đang sinh sống, lao động tại các công trình đó.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội trường và bổ sung, làm rõ thêm về các vấn đề giao thông, nhà ở, qui hoạch, trọng dụng nhân tài và một số nội dung quan trọng khác. Bộ trưởng cho biết, Hà Nội đã sơ kết và đánh giá kỹ Nghị quyết 97/2019 của Quốc hội liên quan đến sửa đổi Luật Thủ đô và dự thảo Luật đã được thiết kế trên cơ sở thực tế, tuy nhiên sẽ xem xét bổ sung theo kiến nghị của đại biểu.