Sợi dây kết nối giữa người và trâu đã có từ bao đời. Hình ảnh trâu dần xuất hiện gần gũi trong kho tàng văn học dân gian như ca dao, đồng dao, tục ngữ và truyện cổ tích của người Việt.
Trâu dân dã, quen thuộc, bình dị gắn liền với đời sống của người nông dân Việt Nam, là người bạn đồng hành của bao thế hệ con người tại làng quê.
Trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh lúa nước ở Việt Nam, con trâu hiền lành, chịu thương chịu khó tham gia trong nhiều công đoạn ruộng đồng. “Con trâu đi trước cái cày theo sau” đã thành một trong những hình ảnh biểu trưng về cảnh làm ăn của người nông dân Việt Nam.
Gắn bó qua hàng ngàn năm qua, con trâu được người Việt “thiêng hóa” đậm nét qua nghi thức cày tịch điền là một hình thức khuyến nông đặc biệt của các cư dân trồng lúa nước, nhằm khuyến khích, động viên nhân dân chăm lo sản xuất nông nghiệp, cái gốc của sự ấm no hạnh phúc.
Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước.. Con trâu cũng xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng…
Con trâu gắn bó với nông thôn, nên đã sớm đi vào văn học nghệ thuật và trở thành một trong những hình tượng loài vật thể hiện sâu sắc tính tâm linh, tình cảm của người dân Việt Nam. Trâu mang một nét văn hóa đồng quê bình dị, hòa trong thôn xóm mộc mạc.
Con trâu đi vào văn hóa Việt trở thành hình ảnh thân thuộc, một biểu trưng cho sự chăm chỉ, hiền lành, khỏe mạnh, chất phác… Người Việt ta có câu nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, tinh thần và tình cảm của người Việt với con trâu luôn luôn có một sức gắn kết mật thiết chặt chẽ.
Dù hiện diện ở nghệ thuật dân gian, đương đại, hay chỉ trong suy nghĩ thì hình ảnh trâu gắn liền với lũy tre làng sẽ mãi khắc sâu trong tâm thức của bao thế hệ người Việt.
Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.