Video Muôn màu cuộc sống

Trẩy hội làng Xâm - Hồn cốt của văn hóa Việt

Thùng thùng trống hội
Náo nức cờ hoa, làng Xâm Động bước vào mùa lễ hội rộn ràng và tươi vui
17:34 - 04/03/2023

Trẩy hội làng Xâm 

Hằng năm, cứ vào độ ăn tết xong xuôi, khi tiết trời vẫn đang nồng nàn hương xuân, người làng Xâm Động, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội lại rục rịch chuẩn bị mở hội. 

Làng Xâm Động có hai mùa lễ hội chính trong năm thường được dân làng gọi là xuân thu nhị kì, trong đó lễ hội mùa xuân diễn ra vào ngày 8,9,10 tháng 2 âm lịch được xem là lễ hội chính.

“Hội làng là cái hồn cốt của văn hóa Việt”, là nơi đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn được tôn vinh, nơi tình làng nghĩa xóm được gắn kết. Và hội làng của làng Xâm Động vẫn giữ được trọn vẹn những ý nghĩa tốt đẹp ấy dù cho thời gian đã trôi chảy qua hàng trăm năm.

Hội làng – ngày hội của dân khắp một vùng. Chẳng cần phải đợi đến chính hội ta mới được chứng kiến sự rộn ràng của một làng xã. Xâm Động đã háo hức, đã tươi vui từ ngay trước tết nguyên đán. Ai cũng muốn góp một phần công sức vào công việc của làng xã, ai cũng muốn hội làng mình phải thật đẹp thật to. Các cụ cao tuổi thì lo phần tâm linh, lên chùa, ra đền thắp hương xin cho làng được mở hội, đàn ông thì lo lễ rước, lo dựng cờ, phụ nữ thì lại sắm sửa chuẩn bị lễ tế, chuẩn bị văn nghệ…ai cũng có công việc để lo và ai cũng tình nguyện được lo. Có lẽ đây chính là cái bản chất của sự gắn kết trong các kì hội làng. Gắn kết những con người trong cùng một làng xã, gắn kết những thế hệ khác nhau cùng đứng ra lo việc làng.

Lễ rước kiệu - một phần không thể thiếu của hội làng, một nét đẹp của tín ngưỡng dân gian.

Hội làng Xâm Động năm nào cũng diễn ra, nhưng lễ rước thì 3 năm mới tổ chức một lần, thế nên người ta luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho nghi thức này.

Bản chất của lễ rước trong hội làng là sự nghênh đón các vị thánh thần được thờ phụng trong tín ngưỡng dân gian về dự hội cùng dân làng. Lễ rước có mối liên hệ mật thiết với đền, miếu, và đình làng. 

Ở làng Xâm Động, lễ rước kiệu mang ý nghĩa nghênh đón đức Linh Lang Đại Vương hay hoàng tử Hoằng Chân đang được dần làng thờ phụng tại đền,  vào đình làng – nơi thờ thành hoàng bản thổ - đức Linh Quốc Đại Vương, để cùng dân làng mở hội. Cả 2 vị thần đều là những người có công với dân, với nước. Trong đó đức Linh Lang Đại Vương hay hoàng tử Hoằng Chân, con thứ của vua Lý Thánh Tông với Vương Phi Hạo Nương là người đã có công dẹp giặc Tống, từ chối nối ngôi vua rồi hoá tại Tây hồ. Đức Linh Quốc Đại Vương là một vị tướng dưới thời Lý trấn ải phía Đông kinh thành Thăng Long. Trong cuộc giao tranh với giặc Tống ông cùng ngựa bị trọng thương, về đến làng Xâm Động thì cả người cả ngựa hoá tại đây. Cả 2 vị thần đều được sử sách ghi chép lại và được dân làng Xâm Động hương khói thờ phụng gần 1000 năm qua.

Nếu công cuộc chuẩn bị cho hội làng là nơi gắn kết của tình làng nghĩa xóm, thì lễ rước kiệu là nơi đạo lý uống nước nhớ nguồn được nhắc nhở và tôn vinh. Mỗi trường rước của làng Xâm Động sẽ có sự tham gia của hàng trăm người chia thành các tiểu ban: tiểu ban cờ, trống, múa rồng… Tham gia rước kiệu là các thanh niên...