Khi tiếng đàn ta lư cất lên, những thanh âm này dường như đang đưa người nghe đi qua núi, qua rừng Trường Sơn, qua cuộc chiến tranh ác liệt mà ở đó người Pa Cô với nhạc cụ truyền thống đã trở thành nguồn động viên tinh thần của các chiến sĩ nơi tiền tuyến.
Mỗi lần đánh lên tiếng đàn ta lư, nghệ nhân Hồ Văn Việt lại được trở về khoảnh khắc ngồi nghe cha kể về những ngày đánh Mỹ. Khi đó, người Pa Cô là những anh hùng. Đi tải đạn, đi chiến đấu, họ đều mang theo chiếc đàn truyền thống. Lúc nghỉ ngơi họ đánh khúc vui tươi, lúc bom đạn dội xuống, họ vang khúc khích lệ để reo ca niềm tin chiến thắng. Những chuyện cha kể luôn khơi thêm trong nghệ nhân Hồ Văn Việt tình yêu và tự hào về nhạc cụ đặc sắc của dân tộc mình.
Nghệ nhân Hồ Văn Việt là một trong số ít người và có thể nói là người trẻ nhất của dân tộc Pa Cô biết cách làm và sử dụng đàn ta lư.
Trong ngôi nhà đơn sơ ở bản Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị, ngày ngày, nghệ nhân Hồ Văn Việt say mê với công việc chế tác đàn ta lư. Làm đàn ta lư mất rất nhiều thời gian, công sức và phải tỉ mỉ từng đường nét.
Đàn ta lư từ xa xưa của cha ông được làm bằng tre nứa sau đó cải tiến sang làm bằng gỗ mít. Gỗ mít sau khi mang về phải phơi khô từ 1-2 tháng. Từ đó bắt đầu đục đẽo làm bầu. Đàn ta lư không có quy chuẩn kích thước nào, độ to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào từng khúc gỗ, thường sẽ có kích thước khoảng 70cm. Những chiếc đàn được nghệ nhân Hồ Văn Việt đục đẽo hoàn toàn bằng tay với những dụng cụ thô sơ. Chiếc đàn ra đời mang nét mộc mạc thể hiện sự khéo léo, tài hoa của người Pa Cô.
Một chiếc đàn hoàn thành cần cả tuần, thậm chí nhiều hơn. Mỗi bộ phận, đòi hỏi sự chỉn chu, khéo léo và cẩn thận khác nhau.
Trước kia, nghệ nhân Hồ Văn Việt học đánh đàn và làm đàn từ cha của mình. Sau này, anh còn chủ động đi tìm các nghệ nhân lớn tuổi làm đàn ta lư ở nhiều bản làng để học thêm cách chế tác. Sau thời gian miệt mài học hỏi, nắm chắc kỹ thuật, anh đã tạo ra rất nhiều chiếc đàn khác nhau phục vụ cho các lễ hội rộn ràng của người Pa Cô và theo chân người yêu nhạc đến nhiều miền đất nước.
Ta lư đã trở thành một phần cuộc sống của nghệ nhân Hồ Văn Việt. Tiếng đàn là sự gắn kết tình cha con, là cầu nối đưa anh đến với vợ mình và là tài sản quý giá của dân tộc mà anh đang nỗ lực gìn giữ. Đối với anh, tiếng đàn là tiếng lòng của cha ông, mất đi tiếng đàn là mất đi bản sắc của dân tộc Pa Cô.
Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.