Ủ ấm Sơn Vi – Lưu giữ nét đẹp hồn quê
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, từ thời phong kiến, những nghệ nhân giỏi nhất của làng đã được tuyển chọn để làm những chiếc ấm ủ cho vua chúa. Những năm 1960 - 1970 là thời kỳ hưng vượng nhất của làng nghề ấm ủ. Già có việc của già, trẻ có việc của trẻ, mỗi người một công đoạn nhưng cả làng lúc nào cũng khẩn trương, tấp nập tham gia sản xuất ấm ủ.
Để đáp ứng được tiêu chí bền, đẹp, giữ nhiệt tốt, làm đậm đà cho những ấm nước chè xanh, lá vối, nhân trần... suốt bốn mùa quanh năm, người thợ làng Sơn Vi phải kỳ công làm nhiều công đoạn. Hơn 50 năm gắn bó với nghề ủ ấm, trải qua nhiều thăng trầm cùng với làng nghề,nghệ nhân Nguyễn Văn Hảo là lớp thợ đi trước đang truyền đam mê và kinh nghiệm làm nghề cho thế hệ trẻ để nghề ủ ấm không bị mai một.
Công đoạn làm nan là công đoạn được làm tỉ mỉ. Người thợ phải chọn cây nứa già, cạo sạch phần cật xanh, chẻ nhỏ và vót thật nhẵn. Sau đó đem phơi khô rồi luộc lên, đến lúc làm phải ngâm nước cho mềm nan để hạn chế mối mọt. Chính bởi thế, chiếc ủ ấm Sơn Vi vẫn bền đẹp, giữ nguyên màu sắc dù tuổi thọ lên đến hàng chục năm.
Không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất ra một sản phẩm thủ công truyền thống lâu đời mang tính đặc trưng, làng nghề ủ ấm Sơn Vi còn là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng.
Từ hàng trăm nan tre nhỏ, bàn tay khéo léo của người thợ tạo ra những hình dáng bầu bĩnh, thuôn tròn. Để nước giữ được độ nóng lâu, người thợ sẽ dùng vải cắt, may thành những túi để nhồi bông làm nắp và lõi ủ ấm. Trong công đoạn cuối cùng, người thợ sẽ dùng giấy ráp đánh bóng từng sản phẩm rồi quét sơn ta lên trang trí với những màu sắc chủ đạo là đỏ son, vàng, nâu. Mỗi chiếc ủ ấm đều mang hồn cốt của dân làng Sơn Vi bởi nó được làm ra từ sự chăm chút và lòng tự hào tiếp nối của truyền thống cha ông.
Theo năm tháng, chiếc ấm ủ dần vươn ra khỏi lũy tre làng Sơn Vi, trở thành vật dụng không thể thiếu ở nhiều miền quê của dải đất hình chữ S và là món quà lưu niệm cho khách tham quan ở Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Hội An. Thậm chí, những chiếc ấm ủ còn được xuất khẩu và rất được ưa chuộng ở Nhật Bản, Pháp, Mỹ…
Tuy mới được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là làng nghề năm 2009, nhưng nghề ủ ấm đã thực sự đổi thay cuộc sống của người dân xã Sơn Vi. Doanh thu năm 2022 là 1,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người là 4,7 triệu đồng/lao động/tháng. Tổng số lao động trong làng nghề là 23 lao động, trong đó lao động thường xuyên là 20 lao động.
Trong bối cảnh hội nhập, sản phẩm ủ ấm được áp dụng máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, thu hút khách hàng, mang lại lợi nhuận nhưng vẫn giữ được cái hồn bản sắc dân tộc, vẹn nguyên nét truyền thống, để lại dấu ấn riêng khó phải mờ.
Sau khi được hoàn thành, ủ ấm Sơn Vi sẽ được thu mua và trưng bày tại các cửa hàng, triển lãm, hội chợ du lịch để người mua có thể tìm hiểu thông tin và mua sản phẩm một cách dễ dàng, đảm bảo chất lượng và uy tín. Ủ ấm Sơn Vi đã được khách hàng rất ưa chuộng bởi thiết kế và đa dạng về kích thước, kiểu dáng.
Theo dòng chảy thời gian, nghề nối nghề - cha truyền con nối, ủ ấm Sơn Vi được giữ gìn và phát triển. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sơn Vi, chị Nguyễn Thị Bạch Lý là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống...