Video Muôn màu cuộc sống

Về làng Diềm, nơi phát tích dân ca quan họ

Một ngôi làng cổ với kho tàng di sản quý báu. Nơi phát tích, khởi nguồn của làn điệu dân ca quan họ. Tình yêu dành cho quê hương, cho câu ca quan họ như ngọn lửa cháy mãi trong trái tim của lớp lớp các thế hệ người dân làng Diềm, Bắc Ninh.
16:51 - 15/08/2023

Về làng Diềm, nơi phát tích dân ca quan họ

        Làng Diềm hay Diềm thôn là những tên gọi nôm của khu Viêm Xá, thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi làng cổ mang đậm nét lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng quê Kinh Bắc. Đến Làng Diềm, ta như được chìm đắm trong những câu ca quan họ sâu lắng, mượt mà cùng nhiều chuyện được được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Các vị cao niên trong làng sẽ kể cho ta nghe về Vua Bà, công chúa con gái Vua Hùng đời thứ 6 cùng những công lao của người trong việc khai thôn lập ấp, dạy cho dân làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là những làn điệu quan họ. Người dân đã lập đền thờ với tên gọi “Đền thờ Vua Bà thủy tổ dân ca Quan họ”. Nơi đây trở thành địa chỉ tâm linh quan trọng đối với dân làng, nơi tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của làng. 

     Kho tàng mà Vua Bà để lại có tới hàng trăm làn điệu cổ, thể hiện rõ nét những giá trị đặc sắc về nhiều mặt: âm nhạc, lời ca, tục kết bạn hiện đang được phổ biến ở nhiều vùng quê Kinh Bắc. Người dân làng Diềm, ai cũng cảm thấy vinh dự và tự hào khi nhắc tới vị Vua Bà cùng truyền thống lịch sử “văn hóa quan họ” của quê hương mình. 

      Nét cổ kính ở Làng Diềm được thể hiện ở rất nhiều công trình, thiết chế văn hóa có giá trị, mang đậm màu sắc của thời gian. Trong số đó phải kể tới Cùng – Giếng Ngọc. Đây được xem là chốn địa linh, hiển ứng thờ Mẫu Tam Phủ từ ngàn xưa. Sự linh thiêng của Đền Cùng đã nổi tiếng khắp dân gian từ Tiền Lê, thời Lý. Tương truyền, từ thời Lý, quan quân triều đình đánh giặc dọc tuyến sông Cầu, có đến chốn này lễ bái và đều được ứng nghiệm đánh bại quân xâm lược… Đền còn thờ hai vị công chúa là con Vua Hùng thứ 18 là công chúa Ngọc Dung và công chúa Thủy Tiên. Họ đều là những người yêu thích và say mê những câu ca quan họ xuất phát từ làng Diềm.

    Nằm giữa sân Đền Cùng là giếng Ngọc. Dưới đáy giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu khoảng 10m, nước giếng Ngọc màu xanh, trong lành do nguồn nước chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong, nước múc lên có thể uống trực tiếp mà không cần lọc hay đun sôi, sẽ thấy vị mát lành và ngọt tự nhiên, hiếm có.

     Dân làng kể lại, xưa kia đây chính là nguồn nước cung cấp cho người dân cả khu vực làng Diềm. Cho đến nay, người ở làng vẫn thường lấy nước giếng Ngọc về để pha trà đãi khách quý hay nấu rượu dùng trong các dịp trọng đại của gia đình và dòng họ. Du khách đến tham quan, thường sẽ xin một ít nước giếng không chỉ để giải khát, mà còn mong muốn có sức sức khỏe dồi dào, minh mẫn hay gặp may mắn, tài lộc đến cho gia đình. Và cũng có nhiều người nói rằng có lẽ nhờ uống dòng nước giếng Ngọc mà từ xưa nơi đây đã có nhiều liền anh, liền chị có giọng hát ngọt ngào, đi vào lòng người.

     Làng Diềm là nơi có nhiều bọn quan họ nhất. “Bọn quan họ” là tên gọi do các liền anh, liền chị khi xưa đặt ra để chỉ tổ chức cơ sở của quan họ trong làng. Bọn quan họ là thể đồng nhất hoặc toàn nam, hoặc toàn nữ. Đứng đầu bọn quan họ nữ gọi là “Bà trùm”, đứng đầu bọn quan họ nam là “ông trùm”. Đến nay có các Câu lạc bộ có cả nam, nữ nhiều lứa tuổi.