Về thăm nơi Bác Hồ viết “lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”
Cách trung tâm TP. Hà Nội hơn 10km, làng Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) nằm bên dòng sông Nhuệ không chỉ nổi tiếng về nghề dệt lụa cổ truyền mà còn là “địa chỉ đỏ” của cách mạng Việt Nam, bởi trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền đây là một trong số những cơ sở cách mạng vững mạnh, an toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ.
Là một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên ở Vạn Phúc, cũng là nơi nuôi giấu các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt khi hoạt động bí mật, gia đình của cụ Nguyễn Văn Dương được chọn làm nơi Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 3 – 19/12/1946.
Ra đời trong thời khắc lịch sử đặc biệt, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động đến sâu thẳm lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc, trở thành biểu tượng lớn của sức mạnh đại đoàn kết. Lời kêu gọi thiêng liêng đó cho đến nay vẫn vang vọng, hào hùng, lắng đọng hồn núi sông đất nước Việt Nam.
Với ý nghĩa trọng đại của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và là nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng của Trung ương, ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21/2/1975 và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp lại vào ngày 16/6/2014.
Hơn 77 năm trôi qua, trải qua những biến động lịch sử, nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được coi như một “bảo tàng ký ức”, lưu giữ những kỷ niệm về vị lãnh tụ tài ba của dân tộc.
Gian giữa đặt trang nghiêm, tôn kính hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân cả nước có thể dâng hương tưởng nhớ đến Bác. Điểm nhấn trong không gian này là bộ bàn ghế mây, nơi Bác Hồ thường xuyên họp bàn với các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận kế sách kháng chiến.
Căn phòng nhỏ bên phải có diện tích chưa đầy 12m2 chính là nơi Bác ở và làm việc. Trước kia đây là phòng của con trai thứ hai của chủ nhà – cụ Nguyễn Văn Dương.
Ngày nay, trong căn phòng đó, chiếc giường gỗ rẻ quạt đơn sơ Bác nằm, chiếc gối gỗ sơn màu huyết dụ vẫn còn nguyên vẹn. Kề bên giường là bàn làm việc, đó là một án thư cao chừng 75cm, chân con tiện, trên bàn là chiếc đèn dầu hỏa, trang bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Những kỷ vật thiêng liêng, đồ dùng sinh hoạt như chiếc áo kaki, chậu thau đồng, đôi tạ tay vẫn được bảo quản tốt. Những quyển sách đơn sơ phủ màu bụi vẫn nằm gọn trên giá sách bên cạnh phòng. Tất cả những kỷ vật này đưa du khách đặt chân tới đây một cảm giác hoài niệm khó tả và cũng như là trở về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Càng hiểu thêm về con người và lối sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta càng thêm yêu và ngưỡng mộ Người. Đặc biệt, với những người cựu chiến binh, được về thăm Vạn Phúc - nơi Bác đặt bút viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã để lại những rung động sâu sắc/.
Thực hiện: Hồng Thúy...