Video Về chốn linh thiêng

Chùa cổ Phúc Chỉ – Nam Định: Di tích gắn liền với hai cuộc kháng chiến của dân tộc

Chùa Phúc Chỉ không chỉ là di tích có giá trị về văn hoá, lịch sử, kiến trúc mà còn là nơi nuôi giấu cán bộ kháng chiến gắn với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

23:51 - 26/02/2023

Chùa cổ Phúc Chỉ – Nam Định: Di tích gắn liền với hai cuộc kháng chiến của dân tộc

Từ thành phố Nam Định, đi theo quốc lộ 10 khoảng 15 km đến thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản) rẽ trái theo trục đường 56 đến ngã tư Mậu Lực rẽ phải theo đường 57B sẽ đến được chùa Phúc Chỉ ở xã Yên Thắng huyện Ý Yên – một ngôi chùa đã hơn 800 năm tuổi. Ban đầu chùa có tên là Thái Tử Quán tự, sau đổi là Sùng Nghiêm tự. Thời Hậu Lê gọi là Phúc Long tự, bởi lúc đó cho rằng chùa làm ở thế đất đầu con rồng. Đến thời Nguyễn dưới triều vua Minh Mạng do kỵ húy vua Gia Long nên đổi tên là Phúc Chỉ như hiện nay. Chùa Phúc Chỉ không chỉ là di tích có giá trị về văn hoá, lịch sử, kiến trúc mà còn là nơi nuôi giấu cán bộ kháng chiến gắn với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, chùa Phúc Chỉ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Phúc Chỉ thờ Phật và thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật – Hoàng Làng của người dân nơi đây. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật là con thứ 6 của vua Trần Thái Tông. Ông sinh năm 1254, mất năm 1330, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ 2 (1285). Vào những năm cuối đời mình, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật thường hay đi du ngoạn khắp nơi để xem phong cảnh của quê hương đất nước. Đến miền quê Phúc Chỉ thấy địa thế đẹp, nhân dân thuần hậu, ông bèn sai gia nhân, đẵn gỗ dựng nhà ở, sau lại bỏ tiền chiêu tập những người ở nơi khác về dựng nhà cư trú. Ban đầu chỉ hơn chục nhà ở, vài ba năm sau có tới hơn bốn mươi nhà, dân cư dần dần đông vui lên. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật còn mở chợ. bắc cầu, dạy dân đắp hồ chứa nước phòng khi hạn hán, khơi thông dòng chảy phòng khi úng lụt. Ông đặt nơi ở của mình là trang Lâm Trại. Khi cuộc sống ổn định, ông cho xây dựng ngôi chùa thờ Phật và tự mình làm sư trụ trì, đó là chùa Phúc Chỉ ngày nay.


Thực hiện: Lan Anh - Ngọc Lệ - Sỹ Thành


Mời Quý vị và các bạn đón xem những nội dung khác trong chương trình "Về chốn linh thiêng" tại đây.