Quần thể Kim tự tháp Giza gồm có 3 ngôi tháp
Ba ngôi tháp kỳ vĩ nhất Ai Cập
Ngôi tháp đầu tiên do Pharaoh Khufu xây dựng vào năm 2550 trước công nguyên. Đây là tháp lớn nhất ở Giza, cao 147m. Ước tính tháp được xây bằng 2,3 triệu khối đá, mỗi khối nặng từ 2,5 đến 15 tấn.
Tháp thứ 2 do con trai của Pharaoh Khufu là Pharaoh Khafre xây dựng vào năm 2520 trước công nguyên. Tháp này gọi là tháp Nhân sư, do có một tượng Nhân sư Sphinx thân sư tử đầu pharaoh nằm cạnh.
Tháp thứ ba do Pharaoh Menkaure xây dựng vào năm 2490 trước công nguyên, nhỏ hơn hai tháp trước đó.
Từ trên cao, có thể thấy thành phố Cairo nằm sát bên ba kim tự tháp
Kỹ thuật xây dựng của người cổ đại tại Giza tinh vi đến mức ngày nay các nhà khoa học cũng không thể biết chắc các kim tự tháp đã được xây như thế nào. Nhưng qua đó người đời sau đã biết được ai là người tạo ra và cần phải có quyền lực chính trị như thế nào mới có thể xây dựng được những công trình kỳ vĩ đến thế.
Khai quật tại khu vực Kim tự tháp thế kỷ 20
Những người thợ xây nên kim tự tháp là những người dân sống trong một ngôi thành tạm thời gần đó. Các nhà khảo cổ học khai quật quanh khu vực kim tự tháp đã thấy một cộng đồng có tổ chức cao, có kho lương thảo nguồn nước dồi dào, chứng tỏ đây là cộng đồng được sự hậu thuẫn của một chính quyền trung ương mạnh mẽ.
Dấu vết về khu ở tập trung của thợ xây kim tự tháp, phát hiện vào thế kỷ 20
Có khả năng các nơi khác trên khắp Ai Cập đã đóng góp nhân lực, lương thảo và cả những thứ thiết yếu khác cho cộng đồng đó, biến công trình kim tự tháp trở thành một kiểu dự án quốc gia, cho thấy sự giàu có và quyền lực của các pharaoh thời cổ đại.
Theo ông Zahi Hawass, tổng thư ký Hội đồng Tối cao Ai Cập về cổ vật, nói đúng ra, các Kim tự tháp đã tạo nên Ai Cập chứ không phải Ai Cập đã tạo nên Kim tự tháp.
Kim tự tháp Giza - bảo tàng lưu giữ quá khứ
Quần thể kim tự tháp Giza cho phép khám phá về một thế giới từ lâu đã biến mất
Nếu như các kim tự tháp góp phần tạo dựng nên Ai Cập thời cổ đại, thì chúng cũng là tường thành gìn giữ Ai Cập.
"Nhiều người coi di chỉ này giống như là nghĩa trang theo cách nhìn hiện đại, nhưng giá trị của nó lớn lao hơn thế.” Giáo sư Ai Cập học, Giám đốc bảo tàng Xê-mít Đại học Harvard Peter Der Manuelian nói. "Trong những ngôi mộ được trang trí này, bạn thấy những cảnh tượng tuyệt vời về mọi mặt trong cuộc sống ở Ai Cập cổ đại, không chỉ là người Ai Cập đã chết như thế nào, mà còn về người Ai Cập đã sống như thế nào."
Hình vẽ trong mộ miêu tả cảnh nông dân làm đồng, chăn nuôi, đánh cá, bẫy chim, lễ bái...
Chữ viết trong mộ cũng cho phép nghiên cứu về ngôn ngữ và ngữ pháp Ai Cập cổ
Gần như bất kỳ đề tài nào muốn nghiên cứu về nền văn minh Pharaoh đều có trên các bức tường trong mộ ở Giza
Nằm ngay ở ngoại ô Cairo, quần thể kim tự tháp Giza là điểm đến không thể bỏ qua trong mọi chuyến đi tới Ai Cập, là 1 trong bảy kỳ quan thế giới vẫn vững vàng chống chọi với thời gian.
Lương Anh