Thật khó hình dung giữa bốn bề những tòa nhà cao ốc hiện đại của đất nước Singapore lại có một ngôi làng cũ kỹ
Ngôi làng Kampong Lorong Buangkok hiện là ngôi làng truyền thống duy nhất còn sót lại ở Singapore. Đó là một ngôi làng xanh tươi, với vườn tược, những đoạn đường đất và 26 ngôi nhà gỗ 1 tầng kampong, từng nằm san sát khắp nơi trên đảo quốc, nhưng giờ chỉ còn thấy ở “ốc đảo” lọt thỏm giữa những tòa cao ốc chọc trời.
Kể từ khi dịch Covid-19 xảy đến khiến người Singapore phải “bó chân” trong nhà, không thể ra ngoài du lịch, ngôi làng đột nhiên trở nên hút khách. Nhiều người đến với làng để tìm lại cảm giác thoáng đãng giữa thiên nhiên, và đặc biệt, để được sống lại trong những khung cảnh của thời xưa cũ. Họ không ngại bỏ ra tới 200-250 đôla Singapore (~146.61-183,26 đôla Mỹ) để mua tour tham quan làng dành cho các nhóm du khách từ 3-5 người.
Những ngôi nhà kampong ở Singapore
Anh Jenn Lee, 48 tuổi, là một du khách như vậy. Anh nói: “Vì con tôi chưa từng được tới những ngôi nhà kampong ở Singapore, nên tôi nghĩ sẽ thật hay khi cho thằng bé biết rằng Singapore cũng có nhà kampong, chứ không phải chỉ có ở nước ngoài như Malaysia, Thái Lan hay Philippines. Ngay tại Singapore này, chúng tôi vẫn còn có nhà truyền thống nên tốt hơn là hãy đến đây xem và trải nghiệm trước khi không còn nữa.”
Tour du lịch dành cho nhóm du khách chỉ là một trong những sáng kiến của công ty “Let's Go Tour: Singapore” đang tung ra nhằm thu hút khách du lịch nội địa dịp này. Công ty cho rằng, có rất nhiều thứ để khám phá ngay trên chính quốc đảo chỉ rộng có 724.2 km2. Theo hướng dẫn viên Kyanta Yap, các tour tham quan làng vào sáng thứ Bảy và sáng Chủ nhật hàng tuần đã gần như được đặt kín kể từ khi họ giới thiệu tour vào tháng 9.
"Chúng tôi tìm cách tự làm mới mình, nghĩ ra những gói sản phẩm nội địa, nhờ đó mà ngày càng có nhiều khách đến với chúng tôi. Vì họ không đi được đâu cả nên họ phải tìm cách đi ở trong Singapore và đó là lý do chúng tôi tìm cách nắm lấy họ, nói với họ rằng, này, ở Singapore thật ra có nhiều nơi hơn bạn biết đấy, và có nhiều câu chuyện, nhiều nét văn hóa lồng ghép trong đó," Kyanta Yap nói.
Du khách có thể cảm nhận được cuộc sống Singapore như thế nào trước khi trở thành một trong những quốc gia hiện đại và giàu có bậc nhất châu Á
Tìm hiểu về cuộc sống giản dị của người dân nơi đây
Đến với nơi này, du khách sẽ có cơ hội bước đi giữa khung cảnh sinh hoạt truyền thống, học cách là quần áo bằng bàn là nung trên bếp than. Hành trình của tour không cố định mà có thể thay đổi linh hoạt theo các tình huống gặp trên đường. Gói tour của Let's Go Tour không phải là tour đầu tiên đưa khách tới tham quan ngôi làng vì nhiều năm qua, cả cư dân địa phương lẫn khách du lịch đã biết tới nơi này. Một số người dân ban đầu cũng ngại nhưng giờ thì họ đã quen với những vị khách từ nơi khác đến.
Ông Nassim, 52 tuổi, dân làng Kampong Lorong Buangkok, hào hứng vừa dẫn khách đi tham quan vườn vừa kể: “Ban đầu chúng tôi cũng cảm thấy rất khó chịu vì du khách đến và nhìn ngó chúng tôi như thể chúng tôi là một thứ sắp đặt trong chuyến tham quan vậy. Nhưng rồi chúng tôi đã tiếp nhận sáng kiến đó, chủ động bước ra và nói chuyện với họ. Nhìn này, chúng tôi là thế này, đây là nơi chúng tôi ở, cũng như nơi các bạn ở vậy".
Giá phòng ở Kampong Lorong Buangkok được cho là rẻ nhất Singapore
Một phần trong số phí tham quan được trả cho dân làng, nhưng người dân trong làng nói rằng, họ không sống bằng du lịch mà còn có những nguồn thu khác. Chẳng hạn như cho thuê nhà. Theo một chủ cho thuê nhà địa phương, giá cho thuê ở làng thuộc hàng rẻ nhất Singapore. Ví dụ như một số phòng kampong có thể rẻ tới mức chỉ có 6.50 đôla Singapore (~4.76 đôla Mỹ)/tháng.
Trong bối cảnh nhiều điểm đến quốc tế chưa mở cửa trở lại, Singapore đã có nhiều sáng kiến để thúc đẩy du lịch trong nước. Ngoài sáng kiến của các công ty, Chính phủ Singapore đang phát voucher du lịch trị giá 100 đôla Singapore (~73 đôla Mỹ) cho mỗi người dân đi du lịch địa phương trong ngày. Cơ quan Du lịch quốc gia cũng đã phát động chiến dịch du lịch nội địa trị giá 45 triệu đôla Singapore (~33 triệu đôla Mỹ) để thúc đẩy du lịch.
Vietnam Journey/Reuters