Đây là cuốn sách của nhóm tác giả gồm nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, GS. TS Trịnh Sinh, và nhiếp ảnh gia Lê Bích trong nỗ lực phục hồi và duy trì một dòng tranh dân gian quý giá của dân tộc.
Nhóm tư vấn và nhóm tác giả cuốn sách "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng"
Sách gồm 3 chương với 346 ảnh màu minh họa, 24 tài liệu tham khảo và trích dẫn với nhiều hình ảnh trực quan hấp dẫn, giúp người đọc dễ hình dung ra toàn cảnh làng Kim Hoàng với nghề truyền thống làm tranh dân gian, những giá trị tiêu biểu của tranh dân gian Kim Hoàng và quá trình khôi phục tranh Kim Hoàng.
Sách chia làm 3 chương: Chương I: Làng Kim Hoàng; Chương II: Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng; Chương III: Tranh dân gian Kim Hoàng
Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” nằm trong dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng”, là nỗ lực của nhóm tác giả cùng một số nghệ nhân và nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam nhằm khôi phục và phát huy giá trị của di sản này.
Nhóm tác giả hy vọng, cuốn sách còn là nguồn tư liệu giá trị về làng nghề tranh dân gian Kim Hoàng.
Các bạn trẻ thích thú tìm hiểu về tranh dân gian Kim Hoàng
Cũng như Đông Hồ hay Hàng Trống, Kim Hoàng là một trong những làng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, nhưng đã bị thất truyền từ năm 1947.
Tới năm 2016, dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” được triển khai cho đến nay, do bà Nguyễn Thị Thu Hòa làm chủ dự án.
Theo bà Hòa, điều làm nên nét độc đáo của dòng tranh Kim Hoàng là màu sắc tạo nên thương hiệu “dòng tranh đỏ Kim Hoàng”, bố cục tranh và các chữ Hán Nôm ý nghĩa trong tranh…
Tranh Kim Hoàng màu sắc rực rỡ độc đáo, thường có thêm những dòng chữ Hán Nôm
Các nhà nghiên cứu và nghệ nhân trong dự án cũng đã nghĩ ra nhiều cách để khôi phục và làm sống lại dòng tranh này.
Ví dụ như đưa hình ảnh tranh lên những chiếc chặn giấy hay làm tranh gỗ trang trí làm quà lưu niệm, để mọi người, đặc biệt là giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với dòng tranh này.
Những chiếc chặn giấy và nhiều món đồ lưu niệm khác là một phần nỗ lực để đưa Tranh Kim Hoàng đến gần hơn với mọi người
Tranh dân gian Kim Hoàng phát triển mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, có xuất xứ ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. So với tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn, được tạo màu theo cách riêng nên khi in, bức tranh nhả màu đậm nhạt khác nhau. Mỗi bản in là một tác phẩm độc đáo, duy nhất mặc dù được in ra từ một bản khắc. Khác với tranh Đông Hồ, được in ra từ giấy điệp, tranh Hàng Trống từ giấy dó, tranh Kim Hoàng được in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hay giấy vàng tàu. |
Anh Vũ - Hồng Điệp/ Vietnam Journey