Video Tin trong nước

Bỏ xét tuyển học bạ, liệu thí sinh có thiệt thòi?

Hiện nay, nhiều trường đại học đã bỏ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Đây được cho là xu hướng tất yếu để tăng chất lượng đầu vào. Vấn đề quan trọng là các trường cần tính toán đến những giải pháp để không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
15:11 - 18/01/2024

Có kế hoạch thi vào Khoa Luật Kinh doanh vốn là một chuyên ngành “hot” với điểm đầu vào khá cao của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, em Nguyễn Đỗ Hoàng Phúc, học sinh lớp 12D1, trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã lên kế hoạch ôn luyện kỹ từ rất sớm, bao gồm cả chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Do đó, việc trường KTQD bỏ xét tuyển bằng học bạ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch thi tuyển của em. Theo em, việc các trường chất lượng cao bỏ xét tuyển theo phương thức này là nên làm để đảm bảo công bằng. Việc biết sớm sự thay đổi này sẽ giúp thí sinh chủ động trong định hướng ôn luyện của mình theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, nếu muốn tiếp cận các trường top trên.

ĐHKTQD là một trong những trường công bố đề án tuyển sinh năm 2024 sớm nhất. Theo đó, năm nay nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu, 18% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, trường đã bỏ chỉ tiêu dành cho xét tuyển học bạ kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT như các năm trước. Dù vậy, sự thay đổi này được cho là không ảnh hưởng đến các thí sinh do ở nhóm này các em phần lớn đều là những học sinh ưu tú, đáp ứng nhiều điều kiện ở các phương thức xét tuyển khác nhau khiến tỷ lệ ảo lớn.

Thực tế, việc phân tích dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT những năm qua cho thấy mức độ chênh với điểm học bạ khá cao. Nên dù các trường bỏ hay giữ việc xét tuyển học bạ thì cũng chỉ nên coi đó là 1 trong những tiêu chí để sơ tuyển để giảm thiểu tình trạng “làm đẹp” học bạ và đảm bảo công bằng cho thi sính./.

Thực hiện: Anh Vũ – Quốc Hùng – Trọng Khánh – Lê Hải