Video Về chốn linh thiêng

Chùa Trình - Cửa ngõ linh thiêng của Yên Tử

Quảng Ninh – Vùng đất có lịch sử Phật giáo lâu đời, nơi khởi phát xuất của dòng thiền Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử với những ngôi chùa tạo nên con đường hành hương về chốn tổ. Trong đó, chùa Trình được coi là điểm bắt đầu trên hành trình đến non thiêng Yên Tử.
15:51 - 01/12/2021

Cách đây hơn 700 năm, quanh vùng đất này có một con sông. Cùng với thời gian, con sông đó không tồn tại nữa. Nhưng tại nơi đây, vẫn in dấu ấn đậm nét bước chân của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong từng đường nét của ngôi chùa Trình ngày nay, vẫn thấy đâu đó cuộc hành trình trên con đường đến non thiêng Yên Tử của Trúc Lâm Đại sĩ, người khai sáng dòng thiền mang bản sắc của Việt Nam. 

Ngược trở về quá khứ, chùa Trình, khi đó là nơi đầu tiên Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt chân, sau một chuyến đi dài xuôi thuyền tìm đến vùng núi thiêng. Cũng từ đó chùa Trình đã trở thành ngôi chùa cửa ngõ, là điểm bắt đầu của hành trình tìm về non thiêng Yên Tử.

Chùa Trình trước kia có tên là Bí Thượng, vì chùa tọa lạc trên sườn đồi của làng Bí Thượng. Chùa Bí Thượng xưa được xây dựng vào thời Hậu Lê. Tuy nhiên, do hủy hoại của chiến tranh và tác động của thời gian, nắng mưa, đã có thời điểm ngôi chùa chỉ còn là phế tích. Nhưng để giữ ngôi chùa linh thiêng mang dấu ấn của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người dân của làng Bí Thượng và phật tử khắp nơi đã chung tay để khôi phục. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Bí Thượng được xây dựng, mở rộng quy mô, trở thành chùa Trình của cả hệ thống chùa tháp Yên Tử như hiện tại. 

Chùa Trình ngày nay mang kiến trúc truyền thống của các ngôi chùa cổ. Với kết cấu bằng gỗ 5 gian, 3 gian, gần gũi với thiên nhiên, tạo không gian thanh bình cho du khách khi đến đây. 

Bên cạnh việc hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, chùa Trình còn giữ vai trò là điểm bắt đầu cho hành trình hành hương tìm về Yên Tử, kinh đô Phật giáo Đại Việt trước kia. Nằm ở cửa ngõ, nơi đầu tiên Phật hoàng Trần Nhân Tông dừng chân trước khi tiến vào đất Phật, chùa Trình mang ý nghĩa “đi trình, về tạ” tức là phật tử đi vào khu tâm linh, danh sơn Yên Tử, sẽ dừng lại ở ngôi chùa đầu tiên là chùa Trình để trình với Phật, với Tổ, trình sơn thần thổ địa trước khi tiến vào non thiêng. Các pho tượng ở chùa Trình chủ yếu được đúc bằng đồng hoặc tạc bằng gỗ mít, gỗ hương. 

Bước chân vào chùa Trình, là không gian hoàn toàn khác. Chùa Trình không nổi bật bởi sự hiện đại mà tạo ấn tượng từ nét đẹp cổ kính. Đầu tiên là 2 bên hành lang dải vũ thờ Thập Bát La Hán. Dù tượng La Hán ở đây không phải những pho tượng cổ có tuổi đời đếm bằng nhiều con số. Nhưng nằm trong không gian kiến trúc truyền thống, pha lẫn yếu tố thời gian, đã phủ lên đây lớp bạc mang màu của năm tháng. Chính lớp màu ấy tạo nên sự ấm áp, tĩnh lặng cho những tâm hồn tìm về hướng Phật. 

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chùa Trình luôn là niềm tự hào của người dân trong vùng và phật tử bởi sự linh thiêng, cổ kính, đồng thời cũng là ngôi chùa đẹp, quan trọng trong hệ thống các ngôi chùa, tháp của Yên Tử.

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.