Video Thế giới đó đây

Malaysia: Tái chế nhựa thành hàng hóa

Rác thải nhựa là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đối với môi trường hiện nay. Làm thế nào để tái sử dụng nguồn rác thải nhựa này là mục tiêu của nhiều quốc gia. Malaysia đã có một cách làm hay trong việc tái chế nhựa thành hàng hóa.
09:52 - 21/10/2020

Hàng tuần, các tình nguyện viên lại tập trung tại đảo nghỉ dưỡng Tioman ở Malaysia để thu nhặt rác thải nhựa, biến đổi thành những miếng nguyên liệu thô để chế thành các bộ phận phụ tùng lắp ráp ô tô, đồ gia dụng, đồ nội thất sau khi gia công, chế biến trong một nhà máy tái chế. 

Heng Hiap Industries, có trụ sở ở bang Johor miền nam Malaysia, là một trong số ngày càng nhiều công ty đang phối hợp với các nhà môi trường tập hợp và loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi các vùng biển của Malaysia. Công ty đã hoạt động 17 năm, tái chế 60.000 tấn nhựa mỗi năm. Một phần trong số đó thu mua từ các tổ chức, các nhóm hoạt động như Dự án Khỉ biển.

Những sản phẩm nhựa tái chế được bán cho một loạt công ty thuộc nhiều lĩnh vực để  sản xuất đồ gia dụng, đồ đựng mỹ phẩm, đồ chơi… 

Nhà sản xuất đồ nội thất KIAN là một trong những công ty như thế. Họ đã sản xuất ra ghế bằng nhựa tái chế cho các nhà hàng, khách sạn. Gần đây công ty đã khởi xướng một thiết kế trong đại dịch, bán với giá gần 80 đô la Mỹ một sản phẩm. 

Trong một báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) về tình trạng tiêu thụ nhựa đóng gói ở 6 quốc gia châu Á đưa ra hồi đầu năm nay, Malaysia là một trong những quốc gia hàng đầu về đóng gói bằng nhựa, khoảng 16kg mỗi người mỗi năm.

Báo cáo cũng cho biết mỗi năm, các quốc gia Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đóng góp 60% trong tổng số 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương trên thế giới.

Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng tại đây./.