Xóm làng bình yên, xanh đẹp với cuộc sống ấm no. Đó là hình ảnh ngày nay của mảnh đất Chi Lăng lừng lẫy chiến công một thời. Con đường độc đạo dẫn vào thung lũng đầm lầy, cửa ải trọng yếu nhất khi xưa đã trở thành đường làng ngõ xóm dẫn vào nhà các gia đình. Những ngôi nhà nằm đan xen cùng ruộng vườn cây trái kết tinh từ chất đất đặc biệt để tạo nên đặc sản nổi tiếng một vùng. Từ bao đời nay, người dân vẫn an cư sống không tách rời trong lõi của di tích, coi di tích như một phần linh thiêng, quen thuộc của gia đình, quê hương.
Khu di tích lịch sử Chi Lăng nằm ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn có chiều dài khoảng 20km với núi non hiểm trở, thắt ở 2 đầu tạo thành yết hầu và thung lũng nằm ở giữa. Chính vị trí và địa thế đặc biệt của Chi Lăng đã tạo thành thành lũy, thế trận tuyệt vời mà cha ông tận dụng tài tình để chiến đấu và đánh đuổi giặc.
Mỗi địa danh, mỗi ngọn núi ở Chi Lăng ngày nay đã trở thành một điểm di tích ghi dấu câu chuyện mang khí thế hào hùng của lịch sử. Chi Lăng được coi là cửa ải xung yếu nhất trên con đường độc đạo từ Pha Lũy đến thành Đông Quan, đồng thời cũng là bức tường thành vững chắc của kinh thành Thăng Long giúp chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược của giặc phương Bắc.
Ải Chi Lăng (Quỷ Môn Quan) có hệ thống lũy dài hàng km hình thành dựa vào địa hình tự nhiên trên cơ sở đắp nối các dãy núi lại với nhau, tạo thành vòng kiên cố bao quanh thung lũng tạo thành chiến lũy quân sự quy mô, kiên cố để mai phục, bố trí quân phòng thủ. Cũng chính tại nơi đây, nhiều trận chiến đã diễn ra. Chưa có một trận nào thất bại đúng như lời cổ thi xưa để lại “cửa ải Quỷ Môn Quan mười người đi chỉ có một người về”.
Chỉ với những loại vũ khí thô sơ như đạn đá, mũi tên, lao, Ải Chỉ Lăng đã trở thành mồ chôn xác quân thù. Trong đó, núi Mã Yên, nơi tướng giặc Liễu Thăng và hơn 100 kỵ binh sa trận dẫn đến việc bị chém đầu vào ngày 10/10/1427. Núi Mã Yên, hai ngọn núi giống chiếc yên ngựa, đã trở thành niềm tự hào của dân tộc, di tích ghi dấu ấn quan trọng trong thời kỳ chống xâm lược nhà Minh (1427).
Khi hiểu về những câu chuyện chiến đấu, cũng như nghệ thuật quân sự tài tình của cha ông ở Chi Lăng, có lẽ, mỗi lần đi vào trong lòng ải, trong mỗi người lại dâng lên niềm tự hào và thiêng liêng. Thiên nhiên đã ưu ái tạo cho nơi đây thế trận tự nhiên, còn con người đã dũng cảm, mưu lược, biến sự ưu ái đó trở thành những chiến công. Để rồi những ngọn núi, những địa danh, những cái tên như núi Quỷ, núi Mặt Quỷ, Vực Bơi… đã đi vào lịch sử góp phần đưa Ải Chi Lăng trở thành bảo tàng quân sự ngoài trời lớn của thế giới.
Một thế trận giữa đất trời do thiên nhiên tạo nên, một xóm làng phát triển với người dân ngày đêm chăm chỉ lao động, Ải Chi Lăng đã có một hành trình dài đi từ quá khứ giữ bờ cõi hào hùng của cha ông đến hiện đại giữ truyền thống và phát huy giá trị tự hào của con cháu. Nơi đây, dù có trải qua thời gian, mưa nắng của trăm năm, vẫn luôn là thành lũy sừng sững, là chứng tích cho một quá trình xả thân vì bờ cõi non sông.
Huyền Trang – Hoàng Thuyên