Bánh đậu xanh Hải Dương – Tự hào hương vị quê hương
Nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Hồng, nơi giao thương của nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; Hải Dương không chỉ được biết đến bởi vị trí chiến lược quan trọng trong tam giác phát triển kinh tế của vùng Đông Bắc Tổ quốc mà còn được biết đến là vùng đất văn hóa giàu truyền thống, với nhiều món ẩm thực tinh tế say đắm lòng người.
Bánh đậu xanh Hải Dương bắt đầu được nhiều người biết đến khoảng hơn 100 năm nay và gắn liền với câu chuyện về vua Bảo Đại. Theo các cụ cao niên kể lại: Trong một lần, vua Bảo Đại đến thăm vùng đất Xứ Đông, người dân nơi đây đã dâng lên một loại bánh làm từ đỗ xanh, đường, mỡ. Vua ăn thấy rất ngon và khen bánh có hương vị nhẹ nhàng, ngọt, mịn và rất phù hợp khi uống trà. Vua Bảo Đại sau khi về cung đã ban sắc lệnh khen bánh Đậu xanh Hải Dương và cho in hình “Rồng Vàng”, biểu tượng uy quyền của Vua trên hộp bánh. Từ đó bánh Đậu xanh Hải Dương có tên mới là: “Bánh Đậu xanh Rồng vàng Hải Dương”. Cái tên đó cho đến nay vẫn là thương hiệu riêng của Hải Dương để phân biệt với các loại bánh Đậu xanh ở các tỉnh, thành phố khác.
Để làm ra một chiếc bánh đậu xanh truyền thống không quá cầu kỳ nhưng bên trong lại chứa đựng những bí quyết gia truyền độc đáo mang đến hương vị riêng biệt, ẩn chứa hồn cốt của món đặc sản miền quê Bắc bộ. Bánh đậu xanh truyền thống được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản và dân dã. Nguyên liệu để sản xuất bánh đậu xanh cần có đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn hoặc dầu thực vật. Các nguyên liệu này sẽ được trộn lẫn với nhau theo một tỷ lệ nhất định.
Để có được những chiếc bánh ngon và chất lượng, từng nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng và quản lý chặt chẽ. Nguyên liệu như đậu xanh, đường đều phải rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, yêu cầu và được bảo quản theo quy định. Đậu xanh hạt phải là đều, chín già, không mốc, chọn được loại đậu xanh lòng vàng là tốt nhất, làm bánh sẽ rất thơm ngon.
Sau khi phơi khô, đậu xanh sẽ được đưa vào rang chín. Sau khi đạt đến độ chín đều thì đem xay sau đó lọc bỏ vỏ rồi nghiền thành bột. Rang là khâu quan trọng để tạo nên những chiếc bánh thơm ngon. Bởi nếu rang cháy bánh sẽ bị khét, rang chưa tới thì đậu có mùi ngái. Đậu xanh sau khi rang được ủ một ngày rồi mới đưa ra tách vỏ và xay thành bột.
Cuối cùng, bột đậu xanh sẽ được kết hợp với đường trắng tinh luyện cùng dầu thực vật cùng một số hương liệu khác để cho ra đời một chiếc bánh có thể làm đẹp lòng và hợp khẩu vị với mọi lứa tuổi.
Dù không sinh ra trong gia đình có truyền thống làm bánh đậu xanh nhưng lại có duyên với nghề sản xuất bánh đậu xanh, nghệ nhân Đào Quang Chuyện – từ một thẩm phán tay ngang sang làm bánh đậu xanh, bằng tình yêu của mình với thứ đặc sản quê hương, ông đã không ngừng tìm hướng đi mới để phát triển thương hiệu bánh đậu xanh quê hương.
Nắm bắt thị hiếu của khách hàng, ông thay mỡ lợn bằng dầu thực vật, đổi đường kính trắng sang đường glucose phù hợp với tất cả lứa tuổi, người dùng. Đỗ xanh phải lựa chọn từ vùng sản xuất VietGAP, đồng đều về mẫu mã, chất lượng. Các khâu luộc, rang, tách vỏ, nghiền, trộn phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình.
Đặc biệt, ông còn nghiên cứu phát triển thêm các loại bánh đậu xanh hương vị mới như bánh đậu trà xanh, bánh đậu sầu riêng, bánh đậu trái cây, bánh đậu dừa non, bột đậu xanh dinh dưỡng để phục vụ nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.