Cà phê Arabica – “Hạt ngọc nâu” của tỉnh Lâm Đồng
Hiện nay toàn tỉnh có 172.000 ha, sản lượng đạt 515.000 tấn, trong đó diện tích cà phê chè (Arabica) khoảng 17.500 ha, chiếm 10,2% tổng diện tích. Ở vùng Cầu Đất - Lâm Đồng - với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp – nơi cà phê arabica có chất lượng rất cao, thậm chí có dòng còn sánh ngang với chất lượng của loại cà phê Arabica ngon nhất trên thế giới. Tuy diện tích khiêm tốn chỉ hơn 10% nhưng chiến lược của tỉnh Lâm Đồng là không mở rộng diện tích trồng arabica mà tập trung nâng cao năng suất và chất lượng để nâng cao giá trị thương mại của hạt cà phê arabica lâm đồng.
HTX nông nghiệp hữu cơ Song Vũ nằm ở xã Xuân Trường nơi có những hạt cà phê arabica chất lượng tốt nhất. HTX có 100 ha trồng caphe arabica trong đó có 30 ha trồng theo hướng hữu cơ. Hữu cơ và áp dụng công nghệ cao là hướng đi bền vững nâng cao giá trị cho hạt cà phê arabica.
Chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu xây dựng thương hiệu cà phê là một trong những mục tiêu chiến lược về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể, tỉnh lập kế hoạch xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê arabica của Việt Nam, sẽ trở thành một trong những vùng cà phê arabica có chất lượng cao trên thế giới.
Cà phê Arabica là một trong 4 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực được dán nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” bên cạnh rau hoa, và du lịch canh nông. 674 tổ chức, cá nhân đã được UBND TP Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, trong đó cà phê chiếm 2%.
7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,12 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD. Trong đó cà phê arabica “hạt ngọc nâu” của tỉnh Lâm Đồng đã đóng góp không nhỏ trong chuỗi giá trị này, góp phần đưa thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” vươn xa./.