Kiên Giang giữ gìn cây sim rừng tạo sinh thái, phát triển kinh tế
Cùng với hạt tiêu, nước mắm...các sản phẩm từ sim như: Mật sim, mứt sim, kẹo sim, socola sim, sim khô và đặc biệt là rượu sim từ lâu đã trở thành một thứ đặc sản nổi tiếng của đảo ngọc Phú Quốc, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Bên cạnh đó các vườn sim còn là một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Phú Quốc vào mùa Tết. Ông Châu Văn Hồng, thành viên HTX vườn sim sinh thái Hàm Ninh cho biết, ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất rượu sim, việc bán lẻ sim cho khách du lịch cũng đem lại thu nhập đáng kể cho kinh tế gia đình.
Tuy nhiên một thời gian dài, sim rừng không được chăm sóc nên sản lượng không cao, chất lượng không ổn định. Một diện tích lớn rừng sim còn bị chặt phá để trồng các loại cây khác hoặc ưu tiên cho các dự án bất động sản nên diện tích sim rừng bị giảm mạnh. Mặc dù hơn 3 năm gần đây người dân ở xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc đã mang sim về trồng tập trung song hiệu quả không được như mong muốn.
Để phát huy thế mạnh của cây sim rừng và tạo điều kiện tăng thu nhập cho người trồng, Phú Quốc đã quan tâm và thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích tích cực như: đầu tư vốn, hỗ trợ người nông dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng sim một cách hiệu quả. Tuy nhiên để các đặc sản sim Phú Quốc vươn ra thị trường trong và ngoài nước, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế thì quan trọng nhất vẫn là dành quỹ đất quy hoạch vùng nguyên liệu để bảo tồn cây sim.
Là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển cây sim, nếu được quy hoạch vùng nguyên liệu, áp dụng phương pháp trồng hợp lý, tìm đầu ra cho sản phẩm bền vững, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, cây Sim Phú Quốc sẽ trở thành cây trồng chủ lực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế bền vững cho Phú Quốc nói riêng và cả tỉnh Kiên Giang nói chung./.
Xem lại: Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tỉnh Kiên Giang
Xem lại: Kiên Giang kích cầu du lịch gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm