Kiên Giang nhiều biện pháp giữ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn QG U Minh Thượng
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo tồn rừng trước hết là nâng cao ý thức của cộng động dân cư, Vườn Quốc gia U Minh Thượng còn phối hợp cùng các đơn vị thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền cho khách du lịch và người dân. Qua đó đã lôi kéo được khách du lịch và cộng đồng ở vùng đệm cùng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động hoang dã quý hiếm ở vườn.
Trong ngôi nhà Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG U Minh Thượng này, mỗi động vật đều có “tiểu sử” riêng. Đó có thể là một chú rái cá bị thương, một chú khỉ con mồ côi hoặc một cá thể tê tê mẹ bị trầm cảm vì mất con…Nhưng, dưới sự tận tình chăm sóc và thấu hiểu của các nhân viên cứu hộ, 10 năm qua, đã có trên 1.200 cá thể được tái thả về môi trường tự nhiên; tỷ lệ cứu hộ thành công đạt 89,9%/năm; gây nuôi phát triển được 8 loài, với 298 cá thể.
Đặc biệt, để bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn, mới đây UBND tỉnh Kiên Giang mới đây đã phê duyệt khoản viện trợ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Thụy Sĩ tại Việt Nam viện trợ thực hiện dự án Phục hồi tính toàn vẹn hệ sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng. Theo đó thời gian tới sẽ trồng phục hồi 280 ha rừng tràm trên đất than bùn bị cháy và suy thoái, nâng độ che phủ rừng của Vườn quốc gia U Minh Thượng tăng 3,48%. Cải thiện sinh kế cho 900 hộ gia đình cộng đồng vùng đệm ở Vườn quốc gia U Minh Thượng…
Với phương châm “bảo tồn để phát triển và phát triển để có điều kiện bảo tồn tốt hơn”, hy vọng rằng công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người dân ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng sẽ có nhiều đổi mới, từng bước phát triển, đồng thời bảo tồn giá trị đặc trưng một cách bền vững./.
Thực hiện: Minh Quyên - Hoàng Thuyên
Xem lại: Kiên Giang giữ gìn cây sim rừng tạo sinh thái, phát triển kinh tế
Xem lại: Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tỉnh Kiên Giang