KỲ CÔNG CHIẾC MÂM CỦA NGƯỜI THÁI
Trước kia, mâm chỉ được dùng trong dịp quan trọng, ngày nay nhiều người Thái sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện, những chiếc mâm mây này cũng được người dân ở khắp nơi ưa chuộng, Vì thế, sau khi hoàn thành các sản phẩm này sẽ được gửi đi tiêu thụ ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Chiếc mâm này cũng được xuất sang Lào, đồng thời trở thành quà tặng cho những vị khách đặc biệt đến với mảnh đất Phù Yên. Nhờ bàn tay khéo léo và tình yêu của những người như ông Hoan, ông Khánh, những chiếc mâm truyền thống của dân tộc Thái đã được gìn giữ tiếp nối, phát triển và mang đi xa quảng bá cho nét tinh hoa và văn hóa đẹp của người Thái.
Từ những thanh mây cứng ban đầu, ngâm nước khoảng 45 phút, người thợ có thể cuộn hình tròn để bắt đầu đan những sợi nan đầu tiên. Khởi đầu nan là công đoạn khó nhất, chỉ những người thợ lành nghề mới có thể làm được. Công đoạn này không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn cần cả sức lực của đôi bàn tay. Sau khi đan được 10 đến 15cm bắt đầu làm hoa. Cài hoa như cách gọi của người thợ nơi đây cũng là một công đoạn khó. Chỉ cần sâu sai một sợi nan, sẽ hỏng họa tiết, thậm chí phải bỏ đi. Vì vậy, không chỉ đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì mà còn yêu cầu sự tập trung cao độ của cả đôi tay và đôi mắt.
Những chiếc mâm mây cũng rất đa dạng kích cỡ từ 70-75cm đến 1,2m tùy nhu cầu của người dùng. Mâm thường có 3 phần: mặt, vành và chân mâm được cấu kết chặt chẽ với nhau. Mặt mâm có hình tròn, các nan dùng để đan mặt mâm phải được chẻ đều, vót mịn để khi cài hoa văn mặt mâm vẫn mịn, khít, đẹp. Trung bình, mỗi sản phẩm này cần 4, 5 ngày để hoàn thiện.
Thực hiện: Huyền Trang – Hoàng Thuyên