Nét tinh hoa nghề thêu ở Hướng Dương
Đến với thôn Hướng Dương, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, ta vẫn còn cảm nhận về một làng quê có cảnh sắc thiên nhiên hữu tình. Nơi đây vẫn còn giữ những nét đẹp mộc mạc, yên bình từ mái đình, cây đa hay trong từng con ngõ nhỏ. Không chỉ được hoà mình vào khung cảnh nên thơ, mà ta còn được nghe người dân nơi đây kể những câu chuyện về làng nghề thêu tay truyền thống được hình thành và phát triển từ khoảng 400 năm.
Ban đầu, nơi đây chủ yếu thêu phục vụ cung đình, các nhà quyền quý hay các đền, chùa và phường tuồng. Khi đó, kỹ thuật thêu cũng đơn giản. Theo thời gian, nghề thêu càng phát triển và kỹ thuật thêu càng tinh tế, khéo léo hơn với thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn và thêu kim tuyến. Các sản phẩm với những hoa văn mang đậm bản sắc văn hoá như long phụng, uyên ương hồ điệp... được đông đảo các tầng lớp vua quan, quí tộc ưa chuộng.
Từ xưa, đã là phụ nữ làng Hướng Dương thì gần như ai cũng biết thêu thùa. Không khí làng nghề đến bây giờ vẫn nhộn nhịp. Các bà, các chị hàng ngày vẫn cùng nhau làm việc hăng say, vui vẻ. Nghề thêu đã giải quyết việc làm cho rất nhiều người với độ tuổi khác nhau. Từ già cho tới trẻ, dường như cây kim, sợi chỉ hay chiếc khung thêu đã trở thành những người bạn gắn bó sâu đậm với cả cuộc đời họ. Ngày xưa, kỹ thuật thêu đơn giản hơn, chủ yếu trên vải thô và sắc chỉ cũng đơn điệu hơn. Còn ngày nay, nhờ học hỏi và sáng tạo thêm các kỹ thuật, cách thêu khác nhau, áp dụng trên rất nhiều chất liệu vải khác nhau như nhung, lụa, lanh, voan, cotton, cùng với chỉ thêu nhiều mẫu mã, đa dạng sắc màu hơn bao giờ hết. Thế nên những sản phẩm thêu trên áo dài ngày càng sắc nét, có chiều sâu và tinh tế hơn.
Vừa kế thừa những tinh hoa của làng nghề truyền thống, các nghệ nhân và thợ thêu của làng đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Vì vậy, dù có nhiều đổi thay nhưng các sản phẩm ngày càng có được niềm tin và thu hút rất nhiều khách hàng gần xa.
Thực hiện: Kim Anh - Hoàng Thuyên