“Nhà của Pao” nằm giữa một vùng thung lũng rộng lớn của xã Sủng Là huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là ông Mua Súa Páo – một người dân bản địa. Ngôi nhà trở nên nổi tiếng khi trở thành bối cảnh trong bộ phim “Chuyện của Pao” thế nên cái tên “nhà của Pao” cũng ra đời từ đó. Trên thực tế đây vẫn là nơi sinh sống của con cháu ông Mua Súa Páo.
Nhà của Pao hội tụ đầy đủ những nét tiêu biểu cho kiến trúc nhà truyền thống của người H’Mong, đầu tiên phải kể đến bờ rào đá. Người Mông có tập quán sống ở những vùng núi đá cao, đá trở thành một phần trong cuộc sống của họ. Họ phá đá để tạo thành lối đi, xếp hàng rào đá để bảo vệ ngôi nhà; họ xếp đá thành nương, cày trên nương đá và trồng ngô trong hốc đá. Những bờ rào đá được tạo thành từ những tảng đá hộc góc cạnh xếp vừa khít nhau. Không xi măng nhưng vẫn vô cùng vững chãi như chính con người ở miền núi cao này. Dần già theo thời gian, những bức tường đá trở thành một biểu tượng, một nét đẹp văn hóa của bà con người H’Mông nói chung, và của công trình Nhà của Pao nói riêng.
Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà – ông Mua Súa Páo vốn thuộc hàng “danh gia vọng tộc” ở mảnh đất Đồng Văn, thế nên ngôi nhà của ông được xây dựng hoành tráng chỉ sau nhà của “vua Mèo” ở đất này. Ngôi nhà được xây dựng theo hình chữ U, ở giữa là một khoảng sân được lát bằng đá tảng được gọt đẽo. Đóng vai trò là một khoảng giếng trời, khoảng sân hứng toàn bộ mưa nắng, cung cấp ánh sáng và khiến toàn bộ công trình trở nên hài hòa với thiên nhiên.
3 dãy nhà được xây 2 tầng, tầng dưới dùng để ở và sinh hoạt, tầng trên dùng để làm kho chứa đồ. Gian nhà chính được xây cao vượt lên so với sân và các dãy nhà phụ. Đây là kiểu nhà truyền thống của người H’Mong.
Một nét độc đáo nữa trong kiến trúc nhà của người H’Mông đó là nhà trình tường. Những bức tường được trình đất, có độ dày lên đến cả chục phân. Cũng như những bức tường đá, nhà trình tường là sự sáng tạo của người dân bản địa để có thể sống giữa khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao.
Các gian nhà được lợp ngói âm dương, trải qua mưa nắng nay đều đã nhuốm màu thời gian, khiến cho cả công trình trở nên xưa cũ. Dưới lớp ngói nhuốm màu u tịch ấy, câu chuyện thờ cúng hay tín ngưỡng tâm linh của người Mông cũng là điều vô cùng thú vị. Nó hòa hợp vào với kiến trúc để tạo nên vẻ huyền bí xung quanh đời sống của một gia đình người Mông.
Nguyên Hạnh – Lê Liên – Trọng Đại
Mời quý vị xem các chương trình Không gian đẹp đã phát sóng tại đây./.