Quốc hội thảo luận về Luật TTATGT đường bộ: Nhiều ý kiến về lắp camera giám sát và nồng độ cồn
Thảo luận về các quy định lắp thiết bị giám sát hành trình. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nêu rõ, điểm c khoản 1 Điều 33 quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe theo quy định. Hiện cả nước có trên 6 triệu ô tô, 73 triệu xe máy đang lưu hành, nếu Luật được thông qua thì sẽ khó đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, đối tượng áp dụng của quy định này còn quá rộng.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến đó là về hành vi bị cấm trong dự án Luật, một số ý kiến cho rằng, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, là nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng. Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phần lớn nguyên nhân gây tai nạn giao thông đều do lỗi con người. Vì vậy, cùng với việc nghiêm cấm, xử phạt nghiêm thì việc thay đổi hành vi ứng xử của người tham gia giao thông cần được ưu tiên, nhằm làm cho vấn đề an toàn giao thông đường bộ có tính chất quy phạm./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng