Sửa đổi Luật Tài nguyên nước hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước Quốc gia
Nhấn mạnh, nước là một nguồn tài nguyên vô giá nhưng lại không vô tận đối với con người trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các khái niệm: tái sử dụng nước đã qua sử dụng, tuần hoàn nước, cải thiện chất lượng nước.
Về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, dự thảo quy định các nguồn nước phải được phân loại theo mức độ, phạm vi suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và lập thứ tự ưu tiên để có kế hoạch phục hồi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, bổ sung cách phân loại theo mức độ như thế nào, đồng thời, cần quy định rõ đơn vị chịu trách nhiệm ban hành hướng dẫn thực hiện. Về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa quy định tại điều 39, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn khi dự thảo chưa đề cập rõ đến thẩm quyền ban hành, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa.
Cho rằng, xuyên suốt nội dung Dự thảo luật chủ yếu đề cập đến phạm vi bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm quản lý nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, nước công nghiệp... nhưng thực tế các lĩnh vực này đều thuộc luật chuyên ngành mà các Bộ, ngành quản lý... Bên cạnh đó, Luật cấp thoát nước dự kiến sẽ trình Quốc hội vào cuối năm nay. Như vậy, dễ dẫn đến chồng chéo giữa các luật gây khó khăn trong quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an ninh nguồn nước. Do đó, có ý kiến đề nghị đổi tên Luật là Luật Quản lý nguồn nước.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước, các đại biểu đề nghị có kế hoạch đầu tư dài hạn đối với công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa thượng lưu với hạ lưu, giữa các địa phương, khu vực./.
Thực hiện: Thu Hương - Quốc Hùng