Tiếp sức cho ngành mây tre đan truyền thống
Những sản phẩm mây tre đan này là của HTX Làng nghề truyền thống mây tre đan Xóm Bui, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Từ một nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của bà con người Mường ở đây ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn giá trị, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, nhận được nhiều đơn hàng của các đối tác nước ngoài. Nhưng khó khăn thì vẫn rất nhiều.
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ mây tre đan trị giá khoảng 500 triệu USD, tuy nhiên nguồn nguyên liệu hiện chưa bền vững, lao động giảm đáng kể. Đặc biệt, đối với thị trường xuất khẩu, các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật về chất lượng nghiêm ngặt như nguồn gốc xuất xứ hay hàm lượng hóa chất. Vì vậy, bất kỳ sự hỗ trợ nào cho các cộng đồng, các làng nghề truyền thống đều rất đáng trân trọng.
Theo các chuyên gia, ngoài việc đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu đầu vào, để có thể phát triển ngành nghề mây tre đan một cách bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các làng nghề, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước để có thể đưa ra các giải pháp đồng bộ như quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng các trung tâm xử lý, bảo quản nguyên liệu và đổi mới mẫu mã sản phẩm.
Với sức mua thị trường hàng mây tre đan thế giới lên đến hơn 40 tỉ USD mỗi năm, việc xây dựng một ngành mây tre đan phát triển bền vững sẽ đem lại cơ hội rất tốt cho Việt Nam trong phát triển nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, qua đó góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề mây tre đan truyền thống, giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu bền vững để sản xuất và xuất khẩu./.
Thực hiện: Lê Liên – Trọng Khánh