Năm nay đánh dấu năm thứ 4 Ngày Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Trung Quốc được tổ chức. Chủ đề của sự kiện năm nay là "Di sản văn hóa và Lối sống lành mạnh".
Ở thành phố Côn Minh – thủ phủ của tỉnh Vân Nam, một bữa cỗ kiểu cổ xưa của những người dân sống bên hồ Điền Trì đã được tái hiện, giới thiệu đến du khách nhiều nét đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể này.
Khi hoàng hôn buông xuống, bữa cỗ bắt đầu với màn trình diễn của các vũ công người Di. Cỗ có nhiều đặc sản địa phương như phô mai dê, bánh bột gạo nhị khối và mì xào nấm.
Người già, thanh niên, các thành viên gia đình và bạn bè sẽ cùng tề tựu quanh mâm cỗ, nâng những chiếc cốc tre chứa đầy rượu gạo, chúc tụng và thưởng thức.
Điều đặc biệt trong bữa cỗ này chính là các bát ăn, chén đĩa đều được làm bằng gốm tím Kiến Thủy – cũng là Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia của Trung Quốc.
Có thể thấy, chỉ đơn giản là bát đĩa hay đồ dùng, các nhà tổ chức sự kiện cũng hết sức dụng tâm khi khéo léo đưa vào cả các yếu tố di sản văn hóa, kết hợp với tính thẩm mỹ hiện đại.
Còn tại Bảo tàng Cố cung ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, một chương trình tham quan trực tuyến Tử Cấm Thành cũng được tổ chức nhân Ngày Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Trung Quốc.
Đến nay, các video phát trực tiếp của bảo tàng đã nhận được hàng triệu lượt nhấp chuột, với điểm nhấn là Thọ Khang Cung.
Nằm ở phía tây nam của Bảo tàng Cố cung, Thọ Khang Cung mang kiến trúc điển hình của cung điện Trung Quốc cổ đại, với diện tích 8.436 mét vuông. Đây là nơi Hoàng đế Càn Long thời nhà Thanh đã ra lệnh xây dựng, để mẹ mình là Hoàng Thái hậu Sùng Khánh ở những năm tháng cuối đời.
Trong gần 100 năm, Thọ Khang Cung đã được dùng làm nhà kho. Đến năm 2015, Bảo tàng Cố cung đã mở cửa cung này cho công chúng tham quan. Sau đó, các nhân viên bảo tàng tìm thấy một hồ sơ ghi chép chi tiết về các đồ đạc trong cung, giúp khách tham quan có cái nhìn chân thực nhất về Thọ Khang Cung nguyên bản.
Thọ Khang Cung cũng tự hào là nơi lưu giữ những hiện vật quan trọng nhất, trong đó có một bức tranh cuộn khổ lớn vẽ nhân dịp mừng thọ lần thứ 80 của Hoàng Thái hậu Sùng Khánh. Bức tranh được bồi bằng phương pháp truyền thống – bồi thẳng lên tường hay tấm vách ngăn.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bức tranh gần như không còn nguyên vẹn. Nhưng những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật đã khiến nó "hồi sinh".
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.