Ứng dụng chất liệu truyền thống cho những ngôi nhà hiện đại
+ Mấy năm lại đây một bộ phận người dân đã tìm lại với giá trị truyền thống, tìm về với quá khứ, vật liệu gạch mộc được làm từ chất liệu đất sét đã bắt đầu được sử dụng trở lại và phục vụ cho những ngôi nhà không kém phần sang trọng, hiện đại.
Một buổi trải nghiệm của nhóm sinh viên khoa gốm trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp tại huyện Đông Anh Hà Nội. Địa điểm cô giáo Nguyễn Thuỳ Dương lựa chọn trải nghiệm cho sinh viên của mình không phải là một làng nghề gốm mà là một công trình nhà ở dân sinh được làm hoàn toàn bằng gạch nung. Gạch và gốm là 2 loại sản phẩm được sử dụng từ chất liệu bằng đất sét.
Công trình hơn 200 m2 làm hoàn toàn bằng gạch mộc từ tường xây tới, hoạ tiết trang trí cho ngôi nhà. Một ngôi nhà xây toàn bộ diện tích đất hiện có nhưng vẫn giữ được ánh sáng, thông thoáng, gần gũi với làng xóm.
Khi chủ nhà lựa chọn gạch mộc xây nhà, ông đã gặp không ít ý kiến trái chiều của nhân dân xung quanh. Tuy nhiên, với suy nghĩ hoài cổ, ông vẫn quyết lựa chọn phương án nhà gạch để gợi nhớ về không gian làng quê xưa, không gian mở, không bị bê tông hoá và cách trở trong giao tiếp. Với cô giáo Dương thì bài học mà cô muốn học trò của mình trải nghiệm đó là tính đa dạng của chất liệu đất sét. Đất sét không chỉ sử dụng cho sản phẩm gốm mà với sản phẩm gạch nó có độ bền vững theo thời gian.
Điểm đặc biệt ngôi nhà được xây 2 lớp, lớp áo bên ngoài làm nhiệm vụ bảo vệ cho không gian bên trong. Từ đó mà có mưa, bão, hay nắng, ngôi nhà cũng không bị ảnh hưởng. KTS Đoàn Thanh Hà đã ứng dụng kiến trúc của Pháp trong xây áo bảo vệ ngôi nhà. Hình hài ngôi nhà cũng không mang dạng khối vuông vắn, mà đổ nghiêng và được vuốt góc, tạo điều kiện cho người ở bên trong mở rộng góc nhìn cảnh quan, cảm nhận được rõ ràng thiên nhiên bên ngoài. Đây cũng tạo sự khác biệt giữa kiến trúc nhà gạch truyền thống vuông hoặc chữ nhật thì ngôi nhà gạch vát theo kiến trúc hang động.
Chuỗi không gian trong “hang gạch” được kết nối liên hoàn thông qua những lỗ hổng ngẫu nhiên, chuyển tiếp tính chất từ mở (công cộng) sang đóng (riêng tư). Các mảng tường đặc được dựng đan xen những mảng tường hở hoa văn giúp phân bổ điểm nhìn, tạo sự riêng tư cần thiết trong khi vẫn duy trì được không gian rộng mở, khoáng đạt. Sự cởi mở này còn tạo điều kiện để con người trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn, ranh giới nội- ngoại thất qua đó cũng được xoá nhoà.
Công trình “hang gạch” gợi nhắc cảm giác vừa lạ, vừa quen, với chất liệu thân thuộc gắn liền cùng lối xây dựng truyền thống trong khi bố cục được phát triển theo cách hiện đại. Cũng là góc sân, khoảng trời, mảnh vườn, ngõ xóm nhưng nay hiện đại, phá cách. Sự rộng mở thênh thang ướm mình trong nơi náu ẩn dịu dàng, ấm cúng; một công trình đậm chất thể nghiệm, biến tấu theo cách vô cùng ấn tượng.
Được quay về không gian của làng quê xưa nhưng vẫn mang hơi thở của cuộc sống, khi mà mọi điều kiện sinh hoạt đạt sự hiện đại, thuận lợi mà vẫn mở rộng với làng xóm, láng giềng. Một ý tưởng đột phá của kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà đã gặp được sự đón nhận của một người yêu kiến trúc nông thôn đó là nhà gạch, tường gạch, đường làng bằng gạch và rồi ông quyết định dù chi phí tăng hơn xây nhà bê tông nhưng ông vẫn đầu tư. Sau 5 năm đưa vào sử dụng, ông vẫn say xưa với tác phẩm nghệ thuật bằng đất sét của mình, cho dù không ít người cho rằng ông hâm, Khi mà những ngôi nhà gạch ở vùng quê đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà bê tông./.
Thực hiện: Mai Lan - Lê Thanh