Vì sao liên tục giảm lãi suất, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp?
Tại chi nhánh một ngân hàng thuộc địa bàn khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội, các giao dịch viên hay còn gọi là sale, cả lĩnh vực cá nhân lẫn doanh nghiệp, trong vài tháng trở lại đây đều không hoàn thành chỉ tiêu. Lý do, theo người đại diện của chi nhánh ngân hàng này, thời điểm hiện tại không phải do thiếu khách hàng vay tiền mà vì số lượng khách hàng đủ điều kiện vay ít đi do tình hình sản xuất, kinh doanh ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Khảo sát hai trong số những doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ may mặc xuất khẩu, từ đầu năm đến nay cả hai đều phải thu gọn quy mô sản xuất, do đơn hàng ít, lượng hàng tồn kho nhiều.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm từ 1,5 - 2% tùy từng khoản vay. Cũng theo ngân hàng nhà nước Việt Nam, thanh khoản của các ngân hàng đang rất dồi dào, đồng nghĩa với việc vốn cung ứng cho nền kinh tế không thiếu. Vì thế, việc tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy nhiều vấn đề.
Bên cạnh việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có đầu ra nên hạn chế nhu cầu vay, còn có những lý do khác cản trở việc tăng trưởng tín dụng. Theo Công ty Chứng khoán DSC, lãi vay thế chấp của nhiều ngân hàng thương mại hiện tại được giới thiệu là chỉ từ 7-8%, tuy nhiên, mức lãi thấp dưới 10% chỉ áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt. Với các doanh nghiệp khó khăn, "đói vốn", chất lượng tín dụng thấp, lãi suất khi đi vay ngân hàng vẫn lên tới 12 đến 17%.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc giúp doanh nghiệp khơi thông đầu ra, cần đẩy nhanh tốc độ hạ lãi vay so với lãi suất huy động, và quan trọng hơn cả, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu, Chính phủ cũng cần có biện pháp đối với những doanh nghiệp dưới chuẩn cho vay của ngân hàng do nguyên nhân khách quan chứ không phải do bản thân năng lực doanh nghiệp.
Tín dụng tăng trưởng, tức là dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế thông suốt, không phát sinh nhiều điểm ngẽn bất hợp lý, làm giảm khả năng hấp thụ vốn đối với cá nhân lẫn doanh nghiệp. Tín dụng có tăng trưởng thì kinh tế mới tăng trưởng và ngược lại. Mối quan hệ này không thể một chiều. Có vốn mà không cho vay được đang là vấn đề rất cần các ngân hàng xem xét để làm sao nguồn vốn đến được tay đúng doanh nghiệp hay người dân đúng khi cần. Có như vậy mới có thể thúc đẩy được tín dụng trong những tháng còn lại của năm.
Thực hiện: Như Nguyên – Anh Dũng